Thời gian tới, xuất khẩu gạo sẽ trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện, có nghĩa là hoạt động xuất khẩu sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức với ngành lúa gạo hiện nay, nếu muốn tồn tại buộc phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh gạo Campuchia, Thái Lan đang cạnh tranh gay gắt, chiếm thị trường của chúng ta.
Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng ngày 22/11 đã thêm điều kiện kinh doanh đối với ngành xuất khẩu gạo, áp dụng bắt đầu từ ngày 1/7/2017.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn xin giữ nguyên điều kiện kinh doanh đối với xuất khẩu gạo. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.
Việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế, hơn nữa để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với DN xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ.
Siết chặt xuất khẩu gạo
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản kiến nghị Quốc hội bãi bỏ kinh doanh xuất khẩu gạo ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
VCCI lí giải, gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy các chính sách quản lý đặc thù liên quan gạo có thể là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.
Cụ thể, việc cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, các yêu cầu về dự trữ lưu thông… đã được quy định khá rõ trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp.
Ngay cả khi các điều kiện này là cần thiết đi nữa thì các quy định về điều kiện kinh doanh cụ thể của xuất khẩu gạo trong pháp luật hiện tại hoàn toàn không hướng đến hay giúp bảo đảm các mục tiêu công cộng nêu tại khoản 1 Điều 7 của Luật đầu tư (ví dụ các điều kiện kinh doanh của hoạt động xuất khẩu gạo chủ yếu liên quan đến quy mô của doanh nghiệp.
![]() |
“Thật khó lý giải tại sao để xuất khẩu gạo thì thương nhân phải có những điều kiện về cơ sở vật chất với quy mô tối thiểu như trên và quy mô của DN thì giúp gì cho việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực?”, VCCI đặt câu hỏi.
Đồng thời, ý kiến của nhiều DN xuất khẩu gạo cũng cho thấy là các điều kiện kinh doanh hiện nay của hoạt động xuất khẩu gạo chủ yếu liên quan đến quy mô của DN, như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, một cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/ giờ là chưa hợp lý.
Những điều kiện này gây lãng phí trong đầu tư, khiến các DN nhỏ và vừa xây dựng được thương hiệu, có sản phẩm chất lượng cao gặp nhiều khó khăn khi phải xuất khẩu đường vòng qua đơn vị ủy thác.
Trên thực tế, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo đang đứng trước tình trạng ảm đạm, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về vì không đạt chuẩn an toàn. Đáng chú ý, dù đã hạ nhưng mục tiêu xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay có nguy cơ không hoàn thành.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2016 ước đạt 368.000 tấn, tương đương giá trị 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, thị trường Trung Quốc trong 9 tháng chỉ đạt 1,35 nghìn tấn (cùng kỳ gần 1,76 triệu tấn), kim ngạch 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hồng Kông (11,4%).
Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong các DN đã lên tới 1,2 triệu tấn.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam ảm đạm thì nước giáng giềng như Campuchia, Thái Lan lại đang đạt được những thành tích khá ấn tượng.
Campuchia, theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu hơn 421.000 tấn gạo trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Gạo Campuchia được xuất khẩu sang 59 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó nhiều nhất là sang Trung Quốc, Pháp và Ba Lan. 10 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu gần 90 nghìn tấn gạo sang Trung Quốc, tăng 7,6% so cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, trong tháng 10/2016, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ mua 200.000 tấn gạo hàng năm nhằm giúp nông dân và các nhà xay xát gạo Campuchia đối phó với tình trạng giá giảm và cạnh tranh với nguồn gạo giá rẻ hơn từ các nước láng giềng.
Lí giải sự thua kém này, chuyên gia về lúa gạo - Gs. Võ Tòng Xuân - cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông thường, nông dân trồng lúa với nhiều chủng loại khác nhau theo lối tự phát. Trong quá trình gieo trồng, nông dân thường lạm dụng phân bón khiến cho sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tràn lan, làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát.
Vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từng thừa nhận là chính tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan đang ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng gạo và phát triển bền vững ngành sản xuất gạo của Việt Nam hiện nay.
Việt Nam đã xuất khẩu gạo gần 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế. Trong khi sau lưng ta, đi sau ta, đất nước Campuchia tại Hội chợ Thương mại Lương thực quốc tế năm 2014, gạo thơm Phka Romdoil (hay còn gọi là gạo lài Campuchia) đã ba lần trình làng, được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới.
“Đất nước Campuchia giống như Đồng bằng Sông Cửu Long Việt Nam, cách nhau một con sông nhưng họ đã xây dựng được thương hiệu gạo vì họ nghiêm túc thực hiện quy trình sử dụng phân bón hữu cơ khép kín và các quy chuẩn về phân bón hợp lý”, ông Thuý nhận xét.
Theo Gs. Võ Tòng Xuân, Campuchia có liên đoàn nhà máy gạo và liên đoàn phân phối, nhà máy được kiểm tra đàng hoàng, không đạt yêu cầu thì đề nghị Nhà nước cho được vay vốn ưu đãi để nâng cấp nhà máy lên, đảm bảo gạo ở mức ngon nhất. Vì thế, hiện nay, Campuchia còn thắng cả Thái Lan trong việc sản xuất gạo ngon có thương hiệu đến các thị trường.
Còn Việt Nam, từ trước tới giờ, chúng ta không có nhà máy, cũng không có cam kết sản xuất, lại thường xuyên bị trả về hoặc bị ép bán giá rẻ, cuối cùng người chịu thiệt thòi là người dân.
Gs. Võ Tòng Xuân, Chuyên gia về Lúa gạo ------------------------------- Về lâu dài, Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp và kịp thời khuyến cáo để doanh nghiệp nâng cao ý thức, đầu tư đúng mức cho việc sản xuất lúa gạo bảo đảm chất lượng ở tất cả các khâu như giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất. Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT công ty CP Nông nghiệp GAP Ông Nguyễn Đình Bích Chúng ta vẫn cứ nói đến thuật ngữ thị trường mới. Nhưng vấn đề ở chỗ với những thị trường đó phải làm thế nào có gạo chất lượng tốt hơn, an toàn hơn mới mở rộng được thị phần và thâm nhập sâu thị trường ở đó. |
Lê Thúy