Số liệu mới cập nhật từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Rõ ràng là có tăng, không lẹt đẹt như hồi năm ngoái, nhưng nếu tính về mặt giá trị kim ngạch và kể cả số lượng thì đây vẫn là mức tăng thấp ở một quốc gia nhiều năm liền đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
VFA và hai “ông lớn”
Hiện nay đang tiếp tục có nhiều tranh cãi quanh việc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) hồi giữa đầu tháng 6/2017 có văn bản yêu cầu các thương nhân khác không được xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung.
Lý do được đưa ra là Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) được Chính phủ chỉ định là đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào những thị trường này.
Xoay quanh vấn đề trên, hiện đang có hai luồng ý kiến “đá nhau”. Phía các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo thì cho rằng quy định cấm thương nhân xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung như đề xuất của VFA đã rất nhiều lần bị các
DN xuất khẩu phản đối là bất bình đẳng, đi ngược xu hướng tự do thương mại. Nhất là khi Việt Nam đang cần bán nhiều gạo và mang lại giá trị kim ngạch cao.
Giới chuyên gia cho rằng VFA hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng, nhất là quản lý việc kinh doanh xuất khẩu gạo dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu. Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc, thiếu sự năng động đối với xuất khẩu gạo.
Chỉ riêng việc lúa gạo đang tăng giá nhưng Vinafood 1 và 2 xuất khẩu với giá thấp cũng làm cho các DN xuất khẩu gạo bất bình. Đơn cử như tháng 5/2017, Vinafood 1 ký hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn gạo loại 5% tấm với Malaysia với mức giá chỉ hơn 356 USD/tấn. Hoặc cách đây 3 năm, khi ấy Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines với giá bèo 370,05 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại xuất sang Trung Quốc và các thị trường khác đã 385 – 390 USD/tấn.
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại cho rằng đi đấu thầu quốc tế thì các nước cũng chỉ có 1-2 DN đại diện, không bao giờ có chuyện hàng loạt DN kéo nhau đi đấu thầu quốc tế. Càng nhiều DN đi càng cạnh tranh với nhau càng “nát”, không có giá tốt.
Trả lời trên một tờ báo, chuyên gia Nguyễn Đình Bích – nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nói rằng các DN quá nhỏ của Việt Nam không đủ sức tham gia đấu thầu quốc tế. Cho nên, theo ông Bích, Vinafood 1 và 2 là những DN lớn, đại diện cho các DN của Việt Nam đi đấu thầu dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương là hoàn toàn hợp lý.
Hai DN này được Nhà nước chỉ định, chứ không phải là DN lớn “bắt nạt” các DN khác để giành quyền đi đấu thầu. Cũng không có chuyện Bộ Công Thương tạo lợi thế độc quyền cho các DN này. Nghị định 109/CP vẫn còn hiệu lực nên mọi hoạt động xuất khẩu gạo vẫn phải theo quy định tại Nghị định này.
![]() |
Các DN tư nhân trong ngành lúa gạo sẽ khó phát triển nếu còn vướng độc quyền
Độc quyền “rẻ tiền”
Như vậy, nếu theo như cách trả lời của ông Bích, ngoài hai DN của Nhà nước là Vinafood 1 và 2 thì không còn DN tư nhân nào khác của Việt Nam có đủ khả năng để đi đấu thầu tại các thị trường tập trung.
Tuy nhiên, khi được trao quá nhiều quyền, được giao đàm phán hợp đồng tập trung nhưng hai “ông lớn” này không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, bỏ giá thấp, điều kiện giao hàng không thuận lợi, làm cho nhiều DN tư nhân phải nhận trái đắng từ đấu thầu gạo giá rẻ.
Theo chuyên gia WB, cho đến cuối thập kỷ 2000 phần lớn xuất khẩu gạo của Việt Nam là gạo chất lượng trung bình và thấp, được bán với giá thấp nhất trên thị trường quốc tế và trong một số năm chủ yếu bán cho Chính phủ các nước khác để phân phát trong các chương trình trợ cấp lương thực.
Trong vài năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dịch chuyển dần sang chất lượng cao và đa dạng hóa, gồm cả các giống gạo thơm. Nhưng ngay cả trong phân mảnh thị trường này, gạo Việt Nam cũng có giá thấp hơn các nước.
Như lưu ý của giới chuyên gia WB, vai trò chủ đạo của các DN nhà nước trong ngành lúa gạo từ khi thành lập cho đến thập kỷ 2000 chủ yếu mang tính chất chính trị thay vì định hướng kinh doanh, trong đó phần lớn khối lượng buôn bán được thực hiện theo hợp đồng Chính phủ.
Các DN tư nhân và các tác nhân điều hành chuỗi giá trị chuyên nghiệp bị hạn chế hoạt động bởi hình thức cấp hạn ngạch xuất khẩu và phải bám vào các DN của khu vực nhà nước. Chỉ gần đây mới xuất hiện các sản phẩm chất lượng cao, các thương hiệu được biết đến và thị phần tư nhân mới bắt đầu tăng lên.
Rõ ràng VFA phải chuyển từ hình thức tổ chức chỉ tập trung vào DN lớn, nhất là DN nhà nước, xoá bỏ kiểu độc quyền “rẻ tiền” để chuyển sang thu hút DN tư nhân tham gia vào hoạt động đấu thầu quốc tế lúa gạo để đảm bảo tính công bằng theo cơ chế thị trường. Có như vậy thì xuất khẩu gạo mới có thể thực sự “lột xác” nhằm mang lại giá trị cao cho nền kinh tế.
Thế Vinh