Dự báo mới đây cho thấy thị trường cà phê EU từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao, đạt mức 49,5 triệu bao, chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới.
Không bỏ lỡ cơ hội
Với việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đáp ứng nhu cầu gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường EU.
Như hồi tháng 8/2020, trong một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị XK cà phê của Việt Nam vào EU đã đạt 76 triệu USD, tăng đến 34,7% so với tháng 7.
Sản phẩm cà phê đang tận dụng EVFTA để thâm nhập sâu vào thị trường EU. |
Quan sát từ đầu năm đến nay cho thấy, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng các nước EU vẫn có xu hướng tăng mua cà phê Việt Nam. Trong đó, Ba Lan, Bỉ, Đức, Italia là những thị trường ở EU tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam.
Điển hình mới nhất là vào ngày 16/9, tại tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã công bố XK 14 container với số lượng 296 tấn cà phê sang thị trường Bỉ và Đức theo Hiệp định EVFTA với ưu đãi thuế 0%.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên Thái Như Hiệp, để tận dụng ưu đãi thuế suất về 0%, sản phẩm cà phê của Công ty Vĩnh Hiệp phải đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường EU. Hiện nay, Công ty đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế cho 25.000 ha cà phê.
Được biết, Công ty Vĩnh Hiệp mỗi năm xuất sang thị trường EU khoảng 35.000 tấn cà phê (chiếm 60% tổng sản lượng XK của Công ty) gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.
Từ kinh nghiệm XK sang EU cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, ông Hiệp cho rằng các DN cà phê ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn cần đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến. Đặc biệt trong bối cảnh giá trị gia tăng hiện nay vẫn chưa cao vì tỷ lệ cà phê rang xay chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê XK của Việt Nam.
Việc gia tăng XK cà phê chế biến vào EU để tận dụng ưu đãi thuế quan là điều mà các DN cần làm ngay. Nguyên nhân là trước đây, EU bảo hộ cà phê chế biến như rang xay, hòa tan... và áp thuế nhập khẩu cao, nên cà phê chế biến của Việt Nam ít có cơ hội.
Còn với việc thực thi EVFTA, EU sẽ xóa bỏ mức thuế 7,5 - 9% đối với cà phê nhân (rang, rang xay). Mức thuế 9 - 11,5% đối với một số chế phẩm từ hạt cà phê bao gồm cà phê hòa tan, tinh chất chứa cà phê sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm.
Theo giới chuyên gia, sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều khả năng sẽ có những làn sóng XK hàng hóa nông sản mới từ DN Việt nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường EU, trong đó có mặt hàng cà phê.
Tăng chế biến sâu, xuất khẩu đa kênh
Điều này dựa trên cơ sở EU đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng và 38% về kim ngạch XK cà phê của cả nước (trung bình giá trị XK cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua)
Thế nhưng, mặt hấp dẫn hơn từ EVFTA là sẽ có nhiều nhà đầu tư EU chủ động tìm kiếm những sản phẩm cà phê Việt phù hợp có thể bán chạy ở EU. Điều này càng thúc đẩy ngành cà phê Việt phát triển tốt hơn.
Với những triển vọng đó, các DN cà phê Việt có thể tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện các vấn đề chất lượng, gia tăng chế biến và phát triển thương hiệu nhằm đưa cà phê Việt Nam vào quy trình XK một cách tương đối thuận lợi hơn.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, hồi năm ngoái, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
Việc chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch XK của toàn ngành cà phê nói chung là rất cần thiết.
Đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm sẽ giúp cho ngành cà phê Việt sớm đạt mục tiêu đạt kim ngạch XK 6 tỷ USD vào năm 2030, với EU là một trong những thị trường chủ lực.
Muốn làm được điều đó, giới chuyên gia cho rằng, ngành cà phê Việt cần xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh đạt chuẩn, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao. Nhất là cần thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Ngoài ra, để đưa cà phê Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU thông qua EVFTA, việc XK đa kênh cũng là điều mà các DN Việt cần nghĩ tới. Như kinh nghiệm của ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cà phê Hello5, đó là XK qua kênh siêu thị, kênh F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) hay kênh truyền thống - GT, rồi kênh trực tuyến (online) đòi hỏi DN cần “phủ đầy”.
Thế Vinh