Theo thống kê, tính riêng trong 10 tháng 2015, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ chỉ đạt hơn 260,7 triệu USD, giảm 4,6% so cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này than phiền năm nay xuất khẩu rất chậm mặc dù giá bán không tăng, thậm chí có lúc giảm giá, lại gặp yêu cầu nghiêm ngặt hơn về chất lượng sản phẩm.
Đã khó lại vướng tròng
Thông tin từ USDA ngày 26/11 vừa qua thông báo sẽ triển khai chương trình giám sát đối với các loài cá da trơn thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thêm lo lắng.
Quy định mới dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo. Các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu đặt ra.
USDA sẽ đảm nhận việc kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các cơ sở nuôi trồng và nhà máy chế biến cá da trơn, thay vì các cuộc giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tiến hành như hiện nay nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn được đáp ứng đồng nhất.
Theo hãng Reuters, các công ty sản xuất cá tra và các nhà đàm phán thương mại phía Việt Nam bày tỏ lo ngại hoạt động nhập khẩu cá tra sẽ bị cấm cho tới khi các nhà sản xuất có thể đáp ứng những yêu cầu mới của USDA, gây trở ngại lớn cho lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.
Còn theo nhận định của công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC), quy định mới sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu có quy mô nhỏ, do họ phải tăng mạnh chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra.
Ngay như người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng bày tỏ thất vọng về động thái trên của USDA. Ông cho rằng việc lập cơ chế giám sát nêu trên là không cần thiết.
Theo ông Lê Hải Bình, không chỉ Việt Nam mà nhiều cơ quan, tổ chức cũng như lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối chương trình này. Các nước ASEAN cũng lo ngại cơ chế này sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu của họ. Phía Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ về vấn đề này, theo dõi sát quá trình triển khai để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hai nước.
Thực ra, nếu muốn cá tra Việt thâm nhập sâu vào thị trường lớn nhưng khó tính như thị trường Mỹ, điều đương nhiên là phải chấp nhận cuộc chơi với những rào cản, thách thức dài hơi nhưng phải thực sự bình đẳng, sòng phẳng từ hai phía.
![]() |
Các doanh nghiệp Việt cần gỡ "thòng lọng" để gia tăng xuất khẩu cá tra vào Mỹ
Thích nghi tốt sẽ gỡ “thòng lọng”
Các chuyên gia kinh tế cũng từng khuyến cáo ngay cả khi gia nhập Hiệp định TPP, thuỷ sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là cá tra nhưng xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang Mỹ vẫn có thể bị kiện như thường và chịu áp đặt thuế chống phá giá, vẫn phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và có thể vướng các rào cản kỹ thuật khác.
Không riêng gì cá tra, tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” vào cuối tháng 10/2015 tại Tp.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám có lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu rằng để có thủy sản sạch thì chính doanh nghiệp phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch. Đồng thời đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương lập danh mục những doanh nghiệp bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài nhằm phân loại, tăng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về.
Thống kê tại thị trường Mỹ cho thấy riêng trong 9 tháng 2015, số lô hàng thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu kháng sinh đã tăng đến sáu lần. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo nên các lô hàng bị cảnh báo đã có chỉ tiêu kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép, điều kiện bảo quản khi vận chuyển không tốt…Cho nên, nếu muốn hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp cá tra cần đẩy mạnh kiểm soát nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu và chú trọng hơn về xây dựng vùng nuôi an toàn.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt không chỉ là phía USDA muốn kiểm tra dư lượng kháng sinh và các hoá chất bị cấm khác trong cá tra của Việt Nam, mà điều họ đang làm là nhằm bảo hộ cho nhiều nông dân nuôi cá tra tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trước sự tăng trưởng nhanh chóng của cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của đòi hỏi từ USDA để thích ứng với cuộc chơi đường dài.
Một điểm cần lưu ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2014/NĐ-CP được công bố ngày 17/11 vừa qua, Bộ NN&PTNT đề xuất quy định: Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Các trường hợp khác, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 30%. Hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 86% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.
Mục đích chính của đề xuất này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và cần có lộ trình thích hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Song song đó, cũng trong dự thảo trên, để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các thương nhân xuất khẩu mà vẫn kiểm soát được chất lượng toàn chuỗi sản xuất, Bộ NN&PTNT còn đề xuất sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục hồ sơ đăng ký với Hiệp hội cá Tra Việt Nam và thay bằng Bản đăng ký của thương nhân với Bộ NN&PTNT.
Thế Vinh