Riêng ở địa bàn Hải Phòng, hàng trăm doanh nghiệp (DN) với hàng nghìn phương tiện vận tải (hàng hóa và hành khách) như ngồi trên đống lửa, nhiều gia đình có xe mua trả góp cũng nháo nhào liên hệ với ngân hàng nơi có thế chấp tài sản; còn ngân hàng lúng túng, đồng thời phản ứng về những hệ lụy cho nền kinh tế cũng như trật tự xã hội.
Doanh nghiệp “chết đứng”
Ngày 31/5/2017, Cục CSGT (C67 – Bộ Công an) đã có văn bản số 2916/C67-P9 gửi Phòng CSGT các tỉnh thành trên toàn quốc, hướng dẫn về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ sử dụng bản sao giấy đăng ký xe ô tô có xác nhận của ngân hàng (hoặc công ty tài chính).
Cụ thể, C67 hướng dẫn: Đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng, khi tham gia giao thông, bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch đảm bảo (đã được sửa đổi bổ sung tại NĐ số 11/2012/NĐ-CP).
Về phía ngân hàng, tại công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, tổ chức tín dụng tại các địa phương nghiên cứu, thực hiện thỏa thuận không giữ đăng ký xe ô tô.
Thực hiện hướng dẫn trên, lực lượng CSGT một số tỉnh thành bắt đầu triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính đối với những chủ phương tiện không mang theo giấy đăng ký bản chính.
Anh Hứa V. C, 40 tuổi- chủ doanh nghiệp vận tải HTC (Hồng Bàng, HP) hoang mang nói: “Doanh nghiệp tôi có 5 đầu xe container thì cả 5 đều đang thế chấp tại ngân hàng Viettinbank từ 2014 đến nay. Sau khi thế chấp, để bảo đảm khoản vay, giấy tờ đăng ký xe ô tô bản chính do bên ngân hàng giữ, còn bên thế chấp chỉ giữ bản đăng ký xe có chứng thực của ngân hàng. Tôi biết, từ mấy chục năm nay, xe vận tải cũng vẫn lưu thông bằng giấy tờ này”.
Anh Hứa cũng cho biết thêm là từ đầu tháng 7 đến nay, doanh nghiệp chạy tới chạy lui hết bên ngân hàng này lại sang bên ngân hàng kia (những nơi mà doanh nghiệp thế chấp vay vốn), cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời “chúng tôi biết rồi nhưng phải chờ ý kiến của Hội sở”.
Ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ giấy bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã dẫn. Song, tính đến thời điểm này, phía các ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện.
Một giám đốc ngân hàng thương mại trên địa bàn Hải Phòng cho biết: Khi khách hàng đến vay vốn mua phương tiện để kinh doanh, chúng tôi áp dụng Điều 323 Luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên nhận thế chấp được quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thoả thuận.
Nhiều năm nay, phía CSGT cũng đều đã chấp thuận bản sao đăng ký phương tiện có xác nhận của ngân hàng rồi. “Nếu bây giờ ngân hàng trả lại giấy đăng ký bản gốc thì lấy gì bảo đảm các đơn vị, cá nhân sẽ trả tiền theo hợp đồng vay dân dụng như cam kết. Vì vậy, vấn đề này, chúng tôi phải báo cáo Hội sở xin ý kiến để giải quyết sau” – vị đại diện này cho biết.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp “khóc dòng” với Văn bản của C67
Những hệ lụy khó lường
Ông Khúc Thanh Hải - Chủ hãng taxi 82.82.82 ở Hải Phòng, bày tỏ: Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hiện nay đều dùng chính tài sản là phương tiện để thế chấp vay vốn ngân hàng. Việc trả giấy đăng ký xe bản chính cho bên thế chấp tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước hết là phát sinh những tranh chấp dân sự. Ngay cả khi ngân hàng (hoặc công ty cho thuê tài chính) giữ bản chính đăng ký xe ô tô nhưng phương tiện vẫn bị lái xe hay người thuê tài chính mang đi cầm cố, thì vẫn dẫn đến tranh chấp dân sự kéo dài. Nếu bây giờ, bản chính giấy đăng ký xe lại giao cho bên thế chấp, e rằng sẽ nảy sinh nhiều tranh chấp dân sự, thậm chí tội phạm hình sự.
Ông Hải cũng cho rằng, ở góc độ kinh doanh và phát triển kinh tế, nếu cơ quan chức năng đòi hỏi phải có bản chính đăng ký ô tô khi tham gia giao thông, doanh nghiệp sẽ không thể vay ngân hàng, các ngân hàng vì thế cũng khó cho vay.
Hơn nữa, nếu CSGT cứ phạt theo văn bản số 2916/C67-P9, các DN sẽ không dám chạy xe, việc lưu thông hàng hóa, chuyên chở hành khách sẽ bị ách tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trật tự xã hội.
Minh chứng điều trên, ông Lê Hoàng Diệu – Giám đốc công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Phát, quận Ngô Quyền, cho biết: Hiện doanh nghiệp vận tải của ông có hơn 40 đầu xe, chạy tất cả các tuyến. Nhằm tránh việc bị CSGT xử phạt, DN đã phải tạm dừng chạy xe để chờ cơ quan chức năng tìm hướng tháo gỡ cho dù việc dừng này sẽ dẫn tới thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.
Theo ông Khúc Thanh Hải, chủ hãng xe tắc xi 828282, giải pháp là tiếp tục duy trì cách làm cũ. Tức là bên C67 chấp nhận bản chứng thực Giấy phép đăng ký xe ô tô. Vì cách làm này đang rất yên ổn.
Còn nếu bắt buộc phải có đăng ký xe ô tô bản chính khi lái xe tham gia giao thông, nên chăng trên bản chính đăng ký, cơ quan CSGT cần đóng dấu “xe đang thế chấp tại ngân hàng” để tránh xe bị bán cá nhân hoặc thế chấp cho tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên việc làm này cũng cần có lộ trình chứ không thể thực hiện ngay lập tức được.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết: Hiệp hội vận tải Hải Phòng hiện có trên 2.000 xe container, trong đó hầu hết đều đang được hội viên thế chấp tại các chi nhánh ngân hàng. Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp tháo gỡ thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản và dẫn đến vô vàn hệ lụy.
Trong quá trình chờ tháo gỡ khó khăn, ông Tiến kiến nghị lực lượng chức năng tạm dừng xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng khi tham gia giao thông và đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này để tháo gỡ khó khăn…
Vũ Trang