Qua quá trình rà soát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ít nhất trên 300 điều kiện kinh doanh được quy định trong các dự thảo nghị định của Chính phủ là không hợp lý.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết như vậy tại “Hội nghị một số vấn đề về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp UBND Tp.HCM tổ chức ngày 29/6.
Thời điểm cho tổng rà soát
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trước mắt, VCCI đã đề nghị cần phải bãi bỏ gần 100 điều kiện kinh doanh vốn không cần thiết, bởi vì rất nhiều điều kiện kinh doanh đã ra yêu cầu giấy phép kinh doanh hoàn toàn có thể theo dạng quy chuẩn và tiêu chuẩn chứ không cần quy định điều kiện kinh doanh.
Sự khác biệt của quy chuẩn, tiêu chuẩn so với điều kiện kinh doanh là DN không phải xin phép nhưng có trách nhiệm tuân thủ. Trên 300 điều kiện kinh doanh bất hợp lý có nhiều mức độ, như: Không cần quy định; quy định đáng lý ra là quy chuẩn, tiêu chuẩn; có những quy định thiếu cụ thể, mù mờ…
“Ngày 1/7/2016 không phải là sự kết thúc cho quá trình rà soát hoặc xoá bỏ các điều kiện kinh doanh mà chỉ là thời điểm bắt đầu cho quá trình tổng rà soát các điều kiện kinh doanh, để có thể sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của đời sống kinh tế và phù hợp với luật pháp quốc tế” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Điều mà người đứng đầu VCCI mong muốn khi nói với giới doanh nghiệp (DN) tại tỉnh thành phía Nam chính là cứ 6 tháng một lần, cộng đồng kinh doanh sẽ phát hiện ra những bất cập về thể chế, chính sách pháp luật thì kiến nghị Quốc hội, nếu phát hiện không hợp lý thì sửa đổi ngay, chứ không thể như hiện nay, một luật được thông qua thì qua quá trình 4 – 5 năm sau “xếp hàng” để sửa đổi, bổ sung.
Trên thực tế, khi rà soát các điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, có nhiều vấn đề trớ trêu như khi cộng đồng DN thấy không hợp lý, các cơ quan của Chính phủ cũng thấy không hợp lý nhưng họ nói rằng vì pháp luật quy định như vậy (?!).
Bức xúc trước kiểu “hành” DN từ hàng loạt “giấy phép con” của các bộ ngành như hiện nay, ông Phạm Trọng Nhượng (Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang) cho rằng đây là việc tăng cường gây khó cho DN hoạt động nhưng tại sao không đưa ra hình thức xử lý nào hết, như vậy có bất công quá?
Theo ông Nhượng, phải xem xét lại những người đề xuất những chính sách gây khó đó, phải xem đó là cái tội thì mới công bằng. Vị đại diện của Hiệp hội DN Tiền Giang đề nghị VCCI là một bên kiện và kiện những người ban hành các chính sách đó đã gây cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) than phiền các hiệp hội, DN nhiều lần được hỏi, được đóng góp ý kiến nhưng các ý kiến phản hồi rất ít và phần lớn đi vào quên lãng.
“Tháng sau, quý sau, lại tổ chức hội thảo, lại đóng góp ý kiến… Điệp khúc này làm chúng tôi thấy mệt mỏi và tốn thời gian. Điều mà DN, hiệp hội mong muốn là các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng phản hồi và có trách nhiệm với DN” – ông Long chia sẻ.
Cộng đồng DN đang nhận thấy có những tín hiệu từ Chính phủ để họ hy vọng về việc xoá bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý
Cần hành động cụ thể
Từ ý kiến của ông Long, có thể liên hệ đến kết quả điều tra mới đây của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI với 100 DN ngành bán lẻ, đã cho thấy có tới 77% các DN cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nếu có, chỉ trên văn bản là chủ yếu, không có hiệu quả thực tế.
Con số này hoàn toàn trùng khớp với số 33% DN đánh giá chính sách hỗ trợ trên thực tế là có hiệu quả và một tỷ lệ tương tự các DN đã được hưởng lợi từ chính sách này.
Nói cách khác, đa số DN ít hoặc không quan tâm tới các chính sách dường như bởi các chính sách hỗ trợ trước đây không hiện thực, không giúp ích được gì họ trong quá trình hoạt động kinh tế. Một kết quả khác cũng rất đáng lưu ý liên quan đến mối liên hệ giữa các chính sách hỗ trợ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, có tới 60% số DN được thăm dò cho rằng các chính sách hiện nay đang có lợi cho doanh nghiệp FDI hơn là các DN nội địa.
Tất nhiên, điều này phần lớn là cảm nhận của DN, xuất phát từ những gì mà họ quan sát hơn là quy định thực tế, bởi các chính sách ưu đãi về mặt nguyên tắc là không phân biệt nguồn gốc vốn, mọi chủ thể đều sẽ được hưởng ưu đãi theo các điều kiện quy định. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn nhận định rằng cảm nhận này không tách rời thực tiễn là các doanh nghiệp FDI dường như dễ dàng nhận được sự ủng hộ của chính quyền.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Kinh tế và quản lý Tp.HCM), VCCI nên sớm có một đề tài nghiên cứu về doanh nghiệp FDI, tại sao họ thành công. Song song đó, VCCI cũng cần nghiên cứu sự thất bại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
“Tại sao một nửa số DN Việt Nam đang hiện diện trên sổ sách nhưng không đóng thuế, phá sản, thậm chí lừa đảo? Chuyện này ở đâu ra, chúng ta phải giải quyết căn nguyên của nó. Hội nhập là cần thiết nhưng cần phải định vị lại quá khứ để trong tương lai nhận được những giá trị thực sự” – ông Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ.
Với vấn đề phát triển một triệu DN vào năm 2020, theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc công ty Nam Thái Sơn, cần hạn chế không phát triển thêm các cơ sở cá thể, mà nên ưu tiên tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có phát triển lớn mạnh. Bên cạnh đó, đối với hoạt động khởi nghiệp, cần có định hướng cho DN trẻ phát triển đa dạng hình thức với ngành nghề cụ thể, tránh tình trạng phát động theo phong trào.
Về phía Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội, cho rằng nếu không có sự hỗ trợ tốt của Chính phủ thì sẽ không có chuyện lật lại hết các điều kiện kinh doanh. Cộng đồng DN họ nhận thấy rằng đang có những tín hiệu để họ hy vọng. Nhưng bên cạnh đó, cần có những hành động cụ thể.
Thế Vinh
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Viện Kinh tế và quản lý Tp.HCM Về việc xoá bỏ các điều kiện kinh doanh, đã đến lúc cần đưa ra giải pháp “cứng” chứ không thể “mềm” nữa. Các cơ quan quản lý cần phải chuyển đổi từ tư duy “hành” DN sang tư duy phục vụ. Chúng ta phải giải quyết căn nguyên vấn đề này thì mục tiêu phát triển một triệu DN mới có thể thành công. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Tp.HCM Tp.HCM đã và đang tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi – ổn định, an toàn- thông thoáng với 280.000 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn, trong đó có hơn 180.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 31% doanh nghiệp của cả nước. Chính các DN là kênh góp ý, phản biện rất phong phú cho chính quyền, là cầu nối, là người tư vấn cho chính quyền giải quyết các vấn đề kinh tế của thành phố. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Chính phủ đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện kinh tế thị trường theo chuẩn mực thế giới trong thời hội nhập. Nghĩa là không giữ nguyên mô hình phát triển cũ mà xem xét, tìm hiểu cách thức phát triển và quản lý cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của Việt Nam. Ngày 1/7/2016 mới chỉ là thời điểm bắt đầu cho quá trình tổng rà soát các điều kiện kinh doanh, để có thể sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của đời sống kinh tế. |