Những ngày vừa qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nên các chuyên gia nhận định kỳ điều hành giá ngày 6/3, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khoảng 300 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm nhỏ giọt 76 đồng/lít vừa được liên bộ Tài chính – Công Thương công bố khiến người dân hụt hẫng.
Giảm giá lần đầu trong năm 2017
Theo thông báo của liên bộ Tài chính – Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu đến tay người tiêu dùng không quá 18.022 đồng/lít, giảm 76 đồng/lít; xăng E5 giảm 58 đồng/lít, giá bán không quá 17.760 đồng/lít.
Riêng mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng giá. Cụ thể, dầu diesel tăng 142 đồng/lít, dầu hỏa tăng 76 đồng/lít, dầu madut tăng 55 đồng/kg, theo đó giá bán không quá lần lượt là 14.447 đồng/lít, 12.834 đồng/lít và 11.378 đồng/lít.
Trong vòng 15 ngày gần đây, giá xăng dầu trên thế giới luôn có biến động giảm. Dữ liệu giá xăng dầu thành phẩm giao trên thị trường Singapore do liên bộ Tài chính – Công Thương cập nhật cho thấy, giá xăng RON 92 bình quân giảm 2 USD/thùng, ở mức trên 65 USD/thùng.
Từ số liệu trên, các DN đầu mối xăng dầu tính toán, nếu cơ quan quản lý tiếp tục giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể điều chỉnh giảm khoảng 300 đồng/lít.
Song, tại kỳ điều hành lần này, liên bộ Tài chính – Công Thương quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành, cụ thể là 300 đồng/lít xăng khoáng, xăng E5 ở mức 300 đồng/lít.
Đồng thời, liên bộ quyết định ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng. Vì vậy, giá xăng dầu chỉ giảm nhỏ giọt 76 đồng/lít.
Trước đó, trong các tháng đầu năm 2017, với bốn kỳ điều hành giá xăng dầu có một kỳ tăng giá với mức cao đến 504 đồng/lít xăng RON 92, vượt mốc 18.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel cũng tăng ở mức gần 300 đồng/lít.
Mức tăng này khiến cho các mặt hàng thiết yếu cũng “té nước theo mưa” tăng giá, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,46% so với tháng trước. Trong đó, tăng cao nhất là giao thông với 3,21%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,78%; may mặc, giày dép tăng 0,24%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,48%…
Việc tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn nhiều so với giá xăng dầu trên thị trường thế giới làm cho quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu so sánh mức giá trên thị trường thế giới thì mức giá 18.022 đồng/lít xăng RON A92 hiện nay cao hơn rất nhiều.
![]() |
Nếu cơ quan quản lý tiếp tục giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể điều chỉnh giảm khoảng 300 đồng/lít.
Dân chịu giá cao, DN lãi khủng
“Đáng lẽ, tại kỳ điều hành lần này giá xăng trong nước phải giảm sâu hơn nữa, chỉ ở mức dưới 18.000 đồng/lít mới tương thích với giá xăng dầu thế giới. Vô hình chung, người dân Việt Nam đang phải mua xăng dầu với giá cao trong khi đời sống còn nghèo, thu nhập còn thấp”, ông Liên nói.
Như vậy, mức xăng giảm thấp hơn kỳ vọng của thị trường khiến người dân hụt hẫng. Chị Phạm Minh Thắm (Nhân viên công ty truyền thông A&T) chia sẻ: “Chúng tôi sốt ruột mỗi khi xăng tăng giá, nhưng đến khi giảm lại nhỏ giọt thế này theo kiểu chiếu lệ cho có chứ người dân chúng tôi không được hưởng lợi gì”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giá xăng giảm nhỏ giọt khiến nhiều DN vận tải, hãng taxi trên địa bàn thủ đô tiếp tục có thêm lý do để trì hoãn giảm giá cước, giá vé gây khó khăn cho người dân.
Xăng dầu là mặt hàng được đánh giá có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vì vậy, khi xăng dầu giảm mạnh, dứt khoát DN phải giảm giá. Đó không chỉ là cách kinh doanh tôn trọng thị trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với người dân.
Thế nhưng, đáng nói, trước mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, hầu hết DN đầu mối đều cho biết họ đang chịu lỗ. Chẳng hạn, đợt điều chỉnh lần này, một số DN đầu mối cho hay họ đang chịu lỗ 400 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, thực tế tại báo cáo tài chính, những con số lợi nhuận khiến dư luận không khỏi “giật mình”.
Năm 2016, “ông lớn” Petrolimex công bố mức lợi nhuận tới 6.300 tỷ đồng trước thuế dù doanh thu giảm. Từ nghịch lý này cho thấy, vẫn còn tồn tại những bất cập về cách điều hành giá xăng dầu dù được giám sát chặt chẽ giữa hai bộ, Tài chính và Công Thương.
Trên thực tế, xét về bản chất, hiện nay giá xăng dầu vẫn chưa được quản lý dựa trên quy luật của thị trường, quan hệ cung – cầu. Vẫn tồn tại sự độc quyền dẫn đến không có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN với nhau. PGs – Ts Ngô Trí Long – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: Cơ chế kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 thực tế khác so với cơ chế của Nghị định 84 (giai đoạn 2008 – 2014) ở điểm giao về đầu mối là Bộ Công Thương quản lý. Nhưng bộ này vừa là cơ quan chủ quản, vừa quản lý, vừa giám sát tức là vi phạm nguyên tắc độc lập, khi vừa “đá bóng”, vừa “thổi còi”.
Thanh Hoa