Sáng 4/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện có nguy cơ lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường.
Người chăn nuôi bất an
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Các sản phẩm ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu xuất khẩu sang Myanmar, lợn sữa xuất khẩu sang Hong Kong…
Tuy vậy, ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp…
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những bất cập này là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Thống kê từ ngày 1/2 đến ngày 3/3/2019, bệnh dịch này đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương), tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu huỷ là 4.231 con với tổng trọng lượng tiêu huỷ hơn 297 tấn.
Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan là do phần lớn các hộ hiện nay vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Là một trong 7 địa phương có dịch, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, cho biết thành phố có trên 400.000 đầu lợn, trong đó lợn nái chiếm 10%.
Nếu phân tích theo công nghệ chăn nuôi, công nghệ cao chỉ 15%, còn lại là chăn nuôi ở trang trại, hộ cá thể. Theo kết quả xét nghiệm của các cơ quan trung ương, ngày 22/2 có ca nhiễm đầu tiên.
Hơn 10 ngày qua, điểm đầu tiên có tả lợn là huyện Thủy Nguyên, sau đó mở rộng ra 3 huyện, 9 xã, 59 hộ trên 17 thôn có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 1.300 con, tương đương 70 tấn thịt, nông trại tiêu hủy nhiều nhất là 600 con.
Chăn nuôi hơn 10.000 con lợn nái đi kèm các trại lợn thịt tập trung ở nhiều tỉnh, thành như Đắk Nông, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Đỗ Cao Bằng, Tổng giám đốc CTCP GreenFeed Việt Nam, cho biết doanh nghiệp (DN) này đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi song vẫn rất lo ngại.
“Một vài DN, hộ nông dân không thể ngăn chặn được dịch mà còn đòi hỏi sự chung tay, ý thức kiểm soát không chỉ ngành chăn nuôi, mà toàn xã hội. Làm sao để thiệt hại từ dịch bệnh gây ra ở mức thấp nhất”, ông Bằng chia sẻ.
Ông Bằng cũng cho biết những ngày qua, giá thịt lợn có xu hướng giảm giá do người dân hoang mang khi tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi |
Tất cả phải vào cuộc
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi ở địa phương này đang rất lo sợ, trong tình thế “trời kêu ai thì người đó dạ”. Họ ở thế không có đường lui vì không có thuốc, không có vắc-xin và phải cắn răng chấp nhận.
Chưa kể, giá lợn hơi ngoài Bắc hiện đang là hơn 40.000 đồng/kg, trong Nam khoảng hơn 50.000 đồng/kg, đây là lý do khiến thương lái đẩy mạnh vận chuyển lợn hơi từ Bắc vào Nam, dịch bệnh có nguy cơ lây lan.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đại diện Hải Phòng cho rằng năm 2017, Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ 38.000 đồng/kg, mức này tương đối ổn nhưng chưa có hỗ trợ riêng cho lợn nái, vì vậy đề xuất tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho lợn nái hiện có giá thị trường hơn 100.000 đồng/kg.
Đại diện Tp.HCM cho biết, địa phương này là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của cả nước. Số lượng lợn được nhập vào Tp.HCM từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh Đông Nam bộ là rất lớn (riêng miền Bắc mỗi ngày có khoảng 300 con lợn được tiêu thụ).
Vì vậy, Tp.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh trong quá trình luân chuyển lợn từ Bắc vào Nam tại các tuyến đường độc đạo, yết hầu như đèo Hải Vân, duyên hải miền Trung.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ hoạt động chăn nuôi lợn ở Việt Nam có điểm khác với các nước, với 2,5 triệu hộ chăn nuôi chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại.
“Một khẩu hiệu đặt ra là “chống dịch như chống giặc” để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
“Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Một bài học kinh nghiệm là Trung Quốc đã khống chế dịch được đến 90% với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, DN và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Nhắc nhở một số địa phương chỉ cử đại diện chi cục thú y dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ đây không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ NN&PTNT, mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả.
Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.
Ví dụ, Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ TT&TT cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.
Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc địa phương nào không làm. Từ Chỉ thị 04, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa, triển khai rõ ràng hơn, chứ không chung chung, đại khái.
Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái.
Lê Thúy
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Trên thế giới chưa tìm được vắc-xin phòng chống. Nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn. Bởi vậy, các địa phương cần triển khai hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy, tuyên truyền đầy đủ về tình hình dịch bệnh, cơ quan chuyên môn không được lơ là để rút ra các kinh nghiệm chống dịch bám sát thực tiễn. Tổng Giám đốc CTCP GreenFeed Việt Nam - Đỗ Cao Bằng Nếu chúng ta kiểm soát không tốt, truyền thông không đúng về Dịch tả lợn châu Phi, hậu quả khó lường không chỉ với DN, hộ chăn nuôi mà còn cả ngành chăn nuôi. Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các DN thì không đủ. Khối DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên trách, các địa phương và chuyên gia khoa học thì mới xây dựng được chuỗi sản phẩm an toàn trong nước. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Tại sao dịch bùng phát từ một tỉnh, hai tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng cho dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch? Nguyên nhân thật sự ở chỗ nào, do khâu nào? Vừa qua, cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng đã quyết liệt chưa? Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra? |