Các bị cáo bị truy tố hàng loạt tội danh gồm: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cho vay nặng lãi", "vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Lừa, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng …
Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra trước vành móng ngựa, HĐXX còn triệu tập 15 nguyên đơn dân sự là người bị hại, 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nguyên đơn dân sự của vụ án có 3 ngân hàng TMCP gồm: ACB, VIB, Navibank...
Theo bản cáo trạng của VKSND Tối cao, ủy quyền cho VKSND Tp.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank Chi nhánh Tp.HCM đã đứng ra vay cá nhân hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao (112%/năm) nhằm mang tiền đi kinh doanh bất động sản (BĐS) ở nhiều tỉnh thành, như: Tp.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang.
Đến năm 2010, BĐS bắt đầu dần "đóng băng", kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, khiến lãi suất 200 tỷ đồng vay mượn đã "đẻ" ra con số lãi "khủng". Vào lúc này, Huyền Như nắm giữ chức vụ quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank Chi nhánh Tp.HCM, với thẩm quyền được phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh.
Việc lừa đảo bắt đầu. Từ tháng 3/2010 - 9/2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh Tp.HCM để lừa đảo. Huyền Như đã
thuê khắc 8 con dấu giả mạo mang tên các đơn vị, gồm: Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank-Berjaya.
Cáo trạng quy buộc Huyền Như làm giả tài liệu của Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa 9 công ty và 3 ngân hàng, cùng 3 cá nhân với số tiền hơn 4.911 tỷ đồng. Cho đến thời điểm vụ án bị phát hiện và Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án (ngày 28/9/2011), thì số tiền Huyền Như còn chiếm đoạt là 3.986.254.481.860 đồng (gần 4.000 tỷ đồng).
Kết quả điều tra cho thấy đa số tiền chiếm đoạt được Huyền Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỷ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho "cò" ngân hàng hơn 42 tỷ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi cho 4 công ty hơn 925 tỷ đồng. Còn hơn 1.200 tỷ đồng, Như thừa nhận dùng để trả các khoản lãi "cắt cổ" khác và tiêu xài hết.
![]() |
Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày
Mặc dù đã lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng nhưng quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu giữ, kê biên của Như được một số tài sản gồm: 39 tỷ đồng tiền mặt, Như nộp 8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, thu hồi hơn 31 tỷ đồng tiền mà Như đã thanh toán để mua nhà, đất của 5 công ty BĐS…
Khó đòi được nợ!
Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ của nữ "siêu lừa" 3 xe ôtô có tổng trị giá 4,56 tỷ đồng; kê biên 13 BĐS là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất có tổng trị giá 185,33 tỷ đồng; thu giữ cả những tài sản nhỏ nhặt như giường, tủ, tivi, tủ lạnh, máy giặt, bếp, lò vi sóng, máy rửa chén... trong các căn hộ và biệt thự có trị giá hơn 512 triệu đồng.
Như vậy, số lượng tài sản nữ "siêu lừa" bị thu giữ có tổng trị giá tài sản là 229,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với con số 3.983,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt thì số tài sản này chẳng đáng bao nhiêu.
Câu hỏi đặt ra là liệu các "ông lớn" sẽ làm gì để đòi lại khoản tiền hàng trăm tỷ đồng đã bị nữ "siêu lừa" này chiếm đoạt? Thậm chí, nhiều "ông lớn" còn bất ngờ khi biết mình cũng bị… lừa!
Vụ án hình sự đã khởi tố điều tra từ ngày 28/9/2011 (cách đây hơn 2 năm), nhưng mãi đến trước khi phiên tòa đưa ra xét xử hơn 10 ngày, thì một số ngân hàng mới "giật mình" khi nhận thông báo của TAND Tp.HCM, lúc này họ mới biết mình là "nạn nhân" bị hại trong vụ án.
Không có thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ nhằm tranh tụng công bằng tại phiên tòa, do vậy, luật sư của một số ngân hàng đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa.
Lý do mà luật sư Trần Đức Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Thịnh, Đoàn Luật sư Tp.HCM) - người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) xin hoãn phiên tòa là chưa được quyền đọc, sao chụp và nghiên cứu hồ sơ tài liệu trong vụ án đầy đủ, toàn diện có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của đương sự theo quy định của pháp luật. Bởi Navibank chỉ biết được thông tin chính thức về việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Navibank tham gia vụ án với tư cách là nguyên đơn dân sự (bị hại) vào ngày 19/12/2013 theo giấy triệu tập của TAND Tp.HCM.
Trong khi đó, từ ngày vụ án khởi tố điều tra cách nay đã hơn 2 năm trời, suốt quá trình điều tra cho đến truy tố, Navibank hoàn toàn không nhận được thông tin chính thức nào về vụ án từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngay sau khi nhận thông tin từ TAND Tp.HCM, Navibank là bị hại trong vụ án Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngân hàng đã có văn bản yêu cầu luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng. Tuy nhiên, tài liệu hồ sơ vụ án quá nhiều, trong đó có hơn 1.000 trang mục lục… và TAND Tp.HCM chỉ cho phép luật sư sao chụp trong vòng 2 ngày (31/12/2013 và 2/1/2014), sau đó không cho sao chụp nữa…
Phú Khánh