Giai đoạn 2006 – 2010, tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần so với mục tiêu đề ra; giải ngân đạt 13,8 tỷ USD, vượt 16%. Đến giai đoạn 2011 – 2015, dự kiến vốn ODA cam kết khoảng 32-34 tỷ USD, giải ngân khoảng 14-16 tỷ USD, trong đó khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án đã ký kết trong giai đoạn 2006-2010 chuyển sang.
“Nghẽn” giải ngân, dự án đội vốn
Theo Ts. Trịnh Ngọc Tuấn, Vụ kinh tế (Văn phòng Quốc hội), kết quả thu hút vốn ODA tăng mạnh đã đóng góp quan trọng làm tăng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Dẫn chứng, các ngành giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp, môi trường và phát triển đô thị chiếm tỷ trọng khá lớn (năm 2014 trên 70%). Các ngành nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tăng cường năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực… chiếm khoảng trên 20%.
Ts. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cho biết tỷ lệ vốn vay trong tổng vốn ODA có xu hướng tăng từ 80% (1993 - 2000) lên mức 81% (2001-2005), 93% (2006 - 2010) và hiện ở mức 96%.
Tỷ trọng ODA so với GDP ngày càng cao, trong giai đoạn 2004-2014, chiếm trung bình khoảng 3,25% so với GDP, một tỷ trọng không lớn song có thể thấy tác động tích cực trong việc kích cầu đầu tư, góp phần duy trì đà tăng trưởng. Việt Nam cũng được các nhà tài trợ đánh giá là nước tiếp nhận và sử dụng ODA tương đối tốt.
Các dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đạt tỷ lệ thành công 82,1%, cao hơn tỷ lệ của một số nước như Ấn Độ (65,2%), Indonesia (63,2%), Philippines (45,5%). Tỷ lệ thành công của các dự án của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ở Việt Nam tương đương với mức trung bình thế giới.
![]() |
Các chuyên gia cho rằng cần có chính sách sử dụng vốn hiệu quả
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các nguồn vốn trong thời gian vừa qua vẫn còn chậm so với tiến độ cam kết. Mức giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều. Một kết quả nghiên cứu đáng chú ý của ADB chỉ ra, việc chậm tiến độ thi công thường dẫn đến phụ trội chi phí khoảng 14%. Đơn cử, như dự án thủy lợi Phước Hòa, chi phí tăng 101%; dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 15% và dự án mạng giao thông miền Trung tăng 51%...
Trong khi đó, năng lực tổ chức và quản lý ODA ở các cấp, ngành còn những hạn chế, để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Thậm chí là tham nhũng tại một số dự án đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ cũng như làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, hiệu quả dự án đang được triển khai.
Việc đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng còn mang tính nguyên tắc, chưa được cụ thể hóa. Cùng với đó là hoạt động giám sát, nhất là đối với các cơ quan của Quốc hội chưa được chú trọng đúng mức.
Lo gánh nặng nợ công
Theo PGs. Ts. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, vốn ODA làm gia tăng nợ công và nợ nước ngoài. Dẫn chứng, viện trợ phát triển chính thức, viện trợ không hoàn lại chỉ chiếm không quá 25% nguồn vốn, còn lại phần lớn là khoản vay ưu đãi. Do đó, ODA sẽ làm gia tăng nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài.
Theo báo cáo chính thức của Chính phủ, nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%, dư nợ chính phủ bằng 42,3%, nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%), dư nợ chính phủ bằng 46,9%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Theo con số tuyệt đối thì nợ công cuối năm 2013 lên gần 1,9 triệu tỉ đồng, hết năm nay dự kiến sẽ lên hơn 2,4 triệu tỉ.
Do vốn dễ tiếp cận mà trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh tham nhũng, hối lộ giữa nhà thầu và bên đại diện dự án.
Các hành vi tiêu cực này sẽ được hạch toán vào chi phí thực hiện khiến cho chi phí công trình bị đội lên rất cao. Nhưng do là vay nợ ODA nên cuối cùng gánh nặng nợ được chi trả bằng tiền thuế mà người dân đóng góp.
Khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, điều kiện vay sẽ chặt chẽ hơn, ODA đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm cho các vấn đề về nợ nước ngoài sẽ trở nên phức tạp hơn”, PGS.TS. Sơn đánh giá.
Đặt trong bối cảnh xu hướng vốn vay ODA đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần vốn vay ưu đãi, vay thương mại tăng lên với yêu cầu ngày càng khắt khe, GS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu duy trì nợ công bền vững.
Trong đó, tỷ trọng ưu tiên 70% vốn tiếp nhận được từ ODA là hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay theo cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cùng tham gia.
Đồng thời, mở rộng cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương; giảm thiểu rủi ro từ biến động về tỷ giá, lãi suất trên thị trường vốn quốc tế làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ; hạn chế tình trạng chuyển sang cơ chế đầu tư vốn nhà nước gây sức ép tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Ts. Nguyễn Thành Đô - Nguyên cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính Kiên quyết thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống lãng phí tại các dự án sử dụng vốn ODA như: đề ra các nguyên tắc lựa chọn dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA, tránh đầu tư dàn trải, phân tán không hiệu quả, không đúng thời gian quy định và cần kiên quyết từ chối các khoản ODA vay xét thấy không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Làm tốt công tác thẩm định để lựa chọn được các dự án có hiệu quả đăng ký sử dụng vốn nước ngoài, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan thẩm định và cơ quan thực hiện dự án, tránh tình trạng khi dự án đi vào hoạt động kém hiệu quả phải xin gia hạn trả nợ hoặc chuyển trách nhiệm trả nợ cho Ngân sách Nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn vốn ODA. Ts. Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính Định hướng chính sách sử dụng nguồn vốn ODA cần có những thay đổi phù hợp. Đối với ODA vốn vay, cần tập trung nguồn vốn này cho cân đối ngân sách nhà nước để tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội và các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách nhà nước. Vốn ODA vay kém ưu đãi sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án tầm cỡ quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ. Thúc đẩy việc áp dụng cách tiếp cận nguồn vốn ODA và vay ưu đãi theo hình thức hỗ trợ mới như tiếp cận theo chương trình, kết quả đầu ra, nhất là hình thức hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm bớt các thủ tục và góp phần cải thiện các hệ thống quản lý công của Việt Nam theo chuẩn mức và tập quán quốc tế. Cần kiểm soát và duy trì giới hạn nợ ở mức an toàn, bền vững, phù hợp với quy định, thực hiện theo chiến lược thận trọng, thường xuyên cân nhắc và tính toán đến hiệu quả và khả năng trả nợ. Ts. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Xây dựng các chỉ số thống kê quốc gia về vốn vay ODA ký kết và giải ngân; nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA. |
Cẩm An