Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng năm 2020, vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, kéo theo tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,54 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh đều tăng, lần lượt là 6,6% và 22,2%.
![]() |
Tính đến 20/8/2020, vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt hơn 223 tỷ USD trong tổng số hơn 381 tỷ USD vốn đăng ký. |
Cụ thể, có 1.797 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD; 718 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD.
Tính tới 20/8/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11,45 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 18 ngành lĩnh vực thu hút được đầu tư FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện (trên 4 tỷ USD), hoạt động kinh doanh bất động sản (gần 2,87 tỷ USD) và bán buôn bán lẻ (1,21 tỷ USD)...
Về đối tác đầu tư, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là Singapore (6,54 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... Về số lượng dự án, Hàn Quốc đứng thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…
Nhờ 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu 59 tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp nhận đầu tư trong 8 tháng qua. Tiếp theo là Hà Nội (2,86 tỷ USD), TP.HCM (2,62 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng...
Theo Bộ KH&ĐT, tính lũy kế đến ngày 20/8/2020, cả nước có 32.539 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đ.N