Hiện Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với các dự án chuyên sản xuất thiết bị di động và linh kiện, bao gồm khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT), dự án tại Tp.HCM với tổng vốn đầu tư lên tới 14,2 tỷ USD, sau khi vừa điều chỉnh tăng thêm 3 tỷ USD cho dự án ở Bắc Ninh.
Với hàng tỷ USD rót vào các dự án đầu tư, chuyện Samsung hay nhiều tập đoàn FDI khác được các địa phương "trải thảm đỏ" mời gọi là hiển nhiên.
Cũng dễ hiểu, khi Samsung liên tục đòi hỏi những ưu đãi "vượt trần" cho tất cả các dự án. Điều đáng chú ý là hầu hết những đề xuất ưu đãi này đều được các địa phương chấp nhận.
Ưu ái "con nuôi"
Để thu hút các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, việc đưa ra các chính sách ưu đãi là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn vào ông lớn FDI để ngẫm lại DN nội, mới thấy được sự thiệt thòi của chính các DN vốn là "con đẻ" trong nhà.
Theo một DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong khi các DN FDI như Samsung được hưởng rất nhiều ưu đãi, như miễn nhiều loại thuế, hỗ trợ tiền thuê đất, chi phí đào tạo nhân công… thì DN Việt Nam lại hầu như không được hưởng ưu đãi gì.
"Mặc dù Chính phủ đã quan tâm và đưa ra các chính sách hỗ trợ, song không sâu sát đến DN. Cùng là DN hoạt động trong một lĩnh vực, làm đối tác của các tập đoàn lớn, mà DN không được hưởng ưu đãi gì. Đã đầu tư sản xuất thì đều như nhau, nhưng DN trong khu công nghiệp lớn thì được ưu đãi, còn cụm công nghiệp nhỏ thì không được", vị DN này trần tình.
Không phủ nhận những đóng góp ngày càng to lớn của các DN FDI cho nền kinh tế. Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay, Việt Nam đã thu hút được 258 tỷ USD, với trên 18.000 dự án còn hiệu lực. Đặc biệt, khu vực FDI đã trở thành một trong bốn động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam, và đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử, FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp vào 20% thu ngân sách.
Hầu như doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng ưu đãi gì
Do đó, việc nhìn nhận khu vực FDI như một bộ phận cấu thành của nền kinh tế là phù hợp để thu hút nguồn vốn chất lượng cao. Không những vậy, Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn cho rằng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất, thì hàng hóa do DN FDI sản xuất ra cũng có thể được coi là hàng Việt Nam.
Với hơn 100.000 lao động Việt Nam làm việc tại các nhà máy của Samsung ở phía Bắc, ông Han MyoungSup, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho rằng những hoạt động đầu tư tại Việt Nam là sự thể hiện mục tiêu trở thành DN quốc dân của Tập đoàn.
Những sản phẩm của Samsung được gắn mác "Made in Vietnam" không chỉ được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, mà còn được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Theo ông Han, hoạt động này đang giúp cho Samsung đóng góp tới 20% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giúp ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
"Con đẻ"… tự lớn?
Cũng theo đánh giá của đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, DN FDI đang tạo ra những tác động lan tỏa, khi thúc đẩy cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, giữa các DN trong nước. Sự cải thiện năng lực cạnh tranh giữa các DN đã giúp cho hiệu quả sản xuất chung của nền kinh tế tăng lên, chỉ số đánh giá về hiệu quả sản xuất kinh doanh thay đổi tích cực.
Đây là sự tất yếu, bởi để có thể cạnh tranh và tồn tại trên sân nhà trước sức ép mà các DN FDI mang đến buộc DN nội phải nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, tài chính, công nghệ…
Đó là những lan tỏa tích cực mà FDI đã mang đến cho nền kinh tế và DN Việt Nam mà chính sách cần thúc đẩy hơn nữa. Tuy nhiên, trong cuộc chơi sòng phẳng với DN ngoại trên sân nhà, khi những đối thủ ngoại đều có tiềm lực mạnh mẽ, có kinh nghiệm nhiều hơn DN nội, việc có những chính sách hỗ trợ đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho các thành phần DN là rất cần thiết. Đặc biệt, khi mà khối DN trong nước đều là các DN nhỏ và vừa, năng lực và nguồn lực có hạn, thì những chính sách hỗ trợ thiết thực lại càng cần thiết.
Nhìn vào bức tranh của nhiều ngành lĩnh vực hiện nay, phần lớn DN FDI đang "làm chủ" cuộc chơi, hoặc đang ngày càng gia tăng sức mạnh trên thị trường.
Từ những ngành xuất khẩu gia công chủ lực của VIệt Nam như dệt may, da giày, DN FDI cũng đang chiếm tới 65 – 70% thị phần, cho đến những ngành phân phối, sản xuất nội địa, thì FDI cũng đang chiếm thị phần lớn.
Đơn cử như trong lĩnh vực bia và nước giải khát, cuộc đổ bộ của hàng loạt các tên tuổi lớn của nước ngoài đang giành giật thị phần với DN Việt Nam. Trong lĩnh vực bánh kẹo, đến cả thương hiệu Việt lâu năm là Kinh Đô cũng phải bán mình cho DN ngoại. Trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, những thương hiệu nổi tiếng một thời như Dạ Lan hay P/S đã hoàn toàn thuộc về khối ngoại và DN FDI chiếm phần lớn thị phần…
Theo Gs. Mại, rất khó để Việt Nam xây dựng được các DN có tầm cỡ lớn thế giới trong một sớm một chiều. Do đó, với sự tham gia của khối DN FDI vào nền kinh tế, cần có chính sách để vừa hỗ trợ khối DN trong nước, vừa tạo sự kết nối giữa DN nội với DN FDI. Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và giành được chỗ đứng trong cuộc chơi sân nhà.
Ts. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) Gs.Ts Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) ------------------------------- Thương mại quốc tế xem sản phẩm Samsung là hàng xuất khẩu Việt Nam. Trên khía cạnh hội nhập quốc tế, các loại hình DN bình đẳng như nhau, cùng hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, liệu Samsung có thực sự muốn trở thành một DN thuần Việt hay không. Cần làm rõ câu chuyện đằng sau là gì, muốn ưu đãi khác chăng? Nếu muốn công nhận DN quốc dân Việt Nam chỉ để tham gia chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" thì cần phải xem xét, thảo luận và phân tích thấu đáo. Bởi điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra câu chuyện háo danh, nhận vơ của cơ quan quản lý. |
Cẩm An