Theo thông tin mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có quyết định phê duyệt cho Vinashin thực hiện rút vốn thương hiệu tại 105 DN thuộc tập đoàn. Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin và việc rút vốn thương hiệu tại các DN.
Góp vốn thương hiệu tràn lan
Theo đó, các DN (công ty cổ phần do Vinashin sở hữu 10 - 80% vốn điều lệ) sẽ phải thống nhất phương án xử lý, tổ chức Đại hội cổ đông để thông qua phương án rút vốn thương hiệu tại DN. Phần vốn góp bằng thương hiệu của Vinashin trong giai đoạn trước sẽ được rút ra theo hình thức giảm vốn điều lệ của các DN.
Trong danh sách DN được chấp thuận rút vốn thương hiệu, có 51 công ty (nhóm 1) có thể thực hiện rút vốn được ngay. Vì nhóm DN này có tình hình tài chính không phức tạp, không vay nợ của Vinashin hoặc công ty tài chính của tập đoàn và không có tài sản lớn.
Vinashin sẽ rút gần 10% vốn thương hiệu
tại Công ty đóng tàu Tam Bạc
Ở nhóm 2 gồm 54 công ty, theo Bộ GTVT, cần phải xem xét, phân tích tình hình tài chính, tài sản, lợi thế, công nợ... của DN trước khi tiến hành rút vốn thương hiệu. Những DN nằm trong diện phải thoái vốn hiện hoạt động ở nhiều lĩnh vực liên quan đến đóng tàu, sản xuất thiết bị, máy móc phục vụ đóng tàu, cơ khí, tôn thép. Nhưng có nhiều đơn vị không liên quan đến ngành nghề chính vẫn được Vinashin góp vốn, gắn mác tập đoàn này, như: chế biến nông lâm - thủy sản, thực phẩm, truyền thông, xây lắp, khoáng sản…
Nếu việc rút vốn thành công, quy mô của nhiều DN sẽ bị co lại như thuở ban đầu khi không còn "chiếc áo" Vinashin.
Gần đây, vấn đề tái cơ cấu Vinashin - "quả đấm thép" của nền kinh tế một thời, lại được xới lên và đòi hỏi phải thực hiện rốt ráo, quyết liệt hơn nữa. Bởi lẽ, sau 3 năm triển khai tái cơ cấu, đến nay, những vấn đề tồn đọng của Vinashin, như: đầu tư, nợ nần, người lao động, nghĩa vụ thuế… vẫn chưa được xử lý xong.
Năm 2011, Vinashin cho biết trong số hơn 200 DN không được giữ lại, đã thực hiện chuyển nhượng vốn thương hiệu, sáp nhập, giải thể, chuyển giao sang đơn vị khác được 54 đơn vị. Có 10 đơn vị đã chuyển quyền sở hữu, đại diện vốn Nhà nước… Thế nhưng, tiến trình rút vốn khỏi các công ty cổ phần lại diễn ra khá chậm, có nhiều vướng mắc.
Do đó, quyết định cho phép rút vốn bằng thương hiệu sẽ là một giải pháp "gỡ bí" cho Vinashin khi phải cùng một lúc phải sắp xếp, cơ cấu lại hàng trăm DN mà tập đoàn đã tham gia đầu tư, góp vốn trong giai đoạn trước. Trong tình cảnh thị trường chuyển nhượng vốn khó khăn, phương án rút vốn theo hình thức giảm vốn điều lệ như đề xuất của Vinashin có thể sẽ khả thi hơn.
Chê vốn thương hiệu
Trong một thông báo phát đi hồi năm 2012, Vinashin muốn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại 32 DN thuộc tập đoàn, trong đó có nhiều công ty mà Vinashin sở hữu từ 51 - 80% vốn điều lệ. Thống kê sơ bộ, có tới 23/32 DN có phần vốn thực góp bằng thương hiệu Vinashin. Tổng giá trị thương hiệu được ghi nhận lên tới… hơn 1.160 tỷ đồng trên tổng số vốn góp 1.741 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy thương hiệu Vinashin ở thời kỳ hoàng kim rất "đắt giá" và được nhiều công ty khao khát gia nhập.
Đáng chú ý, Vinashin muốn bán 51% tại Công ty Đầu tư Cửu Long Vinashin (kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa), trị giá cổ phần là 734 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm chào bán, Vinashin mới chỉ thực góp gần 30% vốn điều lệ và toàn bộ là bằng… thương hiệu của tập đoàn. Tại Công ty Cổ phần Công nghiệp nặng Cửu Long, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Vinashin là 15,8% vốn điều lệ, nhưng tập đoàn đã thực góp tới 820 tỷ đồng (chiếm 43% vốn), vốn thương hiệu chiếm tới 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinashin đã chào bán vốn thương hiệu cùng tài sản nằm ở nhiều DN, như: quỹ Đầu tư Việt Nam liên doanh với BIDV (10% vốn, trị giá 144 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng Vinashin (51%, vốn thương hiệu 15 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Shinec (vốn thực góp 30% là thương hiệu, trị giá 15 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Tam Bạc (vốn thực góp 9% là thương hiệu, trị giá 3,5 tỷ đồng)… Tại một số công ty khác, vốn góp bằng thương hiệu chiếm tỷ lệ lớn, giá trị từ 3 tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.
Sau một thời gian chào bán, đến nay, Vinashin chưa công bố kết quả chuyển nhượng vốn tại 32 DN này. Nhưng phần lớn các công ty này đều thuộc danh sách được chấp thuận rút vốn theo phương án mới là giảm vốn điều lệ. Công bố tỷ lệ và giá trị vốn góp thương hiệu lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng đến giờ, sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, thương hiệu Vinashin liệu có còn như xưa? Vì ngay cả Vinalines - đơn vị nhận chuyển nhượng các công ty của Vinashin cũng từng "chê" phần vốn góp thương hiệu của tập đoàn, thì nhà đầu tư liệu có dễ chấp nhận mua khi thương hiệu chưa được định giá lại?
Phương Nga