Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), do mưa lớn kỷ lục kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó mỏ than Mông Dương chịu hậu quả nặng nề nhất, toàn bộ diện sản xuất từ mức -250 đến trên mức -97 mét mỏ than Mông Dương ngập nước và mặt bằng mỏ bị mưa lũ cuốn hư hỏng nặng. Hiện công tác cứu mỏ đang tích cực triển khai, song dự kiến phải mất 3 - 5 tháng mới có thể đưa mỏ Mông Dương quay trở lại sản xuất.
Ngành Than đang nỗ lực phục hồi sản xuất sau mưa lũ lớn
Theo thống kê ban đầu của Vinacomin, tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31/7/2015 lên đến 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.
Liên quan đến việc cung ứng than cho sản xuất điện, Vinacomin đã gửi công điện tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời có cuộc họp khẩn do Tổng cục Năng lượng chủ trì họp. Các bên đã trao đổi rà soát lại than tồn của các nhà máy điện và đề xuất phương án phát điện trong điều kiện một số nhà máy điện than tồn ít mà tình hình cấp than còn chậm, gián đoạn.
Tập đoàn cho biết sẽ nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn và khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện. Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và ưu tiên số 1 cung cấp than cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng,....
Phương án thống nhất là sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam. Chiều 31/7, Vinacomin đã triển khai phương án pha trộn để cấp than cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và chuyển tải than cấp cho Duyên Hải 1.
Cũng trong ngày 31/7 đã xuất cảng 1 tàu 18/22 ngàn tấn cho Nhiệt điện Vũng Áng. Ngày 01/8 có thêm 1 tàu (non tải) đi Vũng Áng và 1 tàu 6 ngàn tấn từ cảng Cửa Ông vận chuyển than đi Duyên Hải 1.
Vũ Trọng