Ngày 20/9, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2021 – GII 2021) thuộc Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo công bố của WIPO, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Đáng chú ý, so với các năm 2019, 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã bị tụt hai bậc – từ vị trí thứ 42/132 của 2 năm trước đó. Lí do dẫn đến Việt Nam bị tụt hai bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là do số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong khi đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Tuy nhiên báo cáo ghi nhận, năm nay Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo - tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020 và giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 38).
Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thu được nhiều kết quả đổi mới nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng trong thập kỷ qua.
Điển hình như năm 2020, chỉ số GII của Việt Nam được WIPO đánh giá đạt một số kết quả tích cực đáng chú ý như cải thiện về trình độ phát triển kinh doanh, cơ sở hạ tầng chung, cải thiện về đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới. |
Theo WIPO, năm ngoái, Việt Nam có sự cải thiện rất đáng ghi nhận về phát triển kinh doanh. Theo đó, hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019.
Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết đổi mới sáng tạo, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42).
Cùng với đó, năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 - là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về Nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).
Cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng chuyển biến rất tích cực, tăng 9 bậc so với năm trước 2019. Đáng chú ý, chỉ số về sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc so với năm 2019, xếp hạng 38.
Việt Nam có 6 chỉ số ở trụ cột này cải thiện so với 2019 và có thứ hạng cao như số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất (hạng 10, tăng 3 bậc), chỉ số đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ (hạng 20, tăng 4 bậc). Chỉ số sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao tăng 4 bậc, từ 27 lên 23.
Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong tốp 5.000, Việt Nam xếp hạng thứ 19 ở chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII 2020 – chỉ số giá trị thương hiệu toàn cầu.
Báo cáo GII 2021 cho thấy 19 nền kinh tế đang vượt kỳ vọng về đổi mới sáng tạo trong tương quan với trình độ phát triển.
Trong đó, Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova, tiếp tục nắm giữ kỷ lục về phương diện này năm thứ 11 năm liền.
Ngoài ra, báo cáo cũng ghi nhận, năm nay Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo - tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020 và giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 38).
Đồng tác giả báo cáo của WIPO Bruno Lanvin nhấn mạnh, trong số loạt phát hiện đột phá của GII 2021 cho thấy những thay đổi xảy ra giữa các nền kinh tế hàng đầu rất đáng chú ý.
Ngoài cú nhảy vươn tầm ngoạn mục của Hàn Quốc (từ thứ 10 lên thứ 5), duy trì thứ hạng cao từ năm ngoái của Pháp (11) và Trung Quốc vượt lên vị trí 12 đã được khẳng định, khi cả hai quốc gia này hiện đang ‘gõ cửa’ mấp mé vào top 10 GII.
Top 4 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất thế giới năm nay không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng trong năm thứ 11 liên tiếp, theo sau là Thụy Điển, Mỹ và Anh. Những cái tên còn lại trong Top 10 ngoài Hàn Quốc ở vị trí thứ 5 là Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Đan Mạch và Đức.
Chỉ số của WIPO cho thấy các quốc gia và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào đổi mới, bất chấp cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang nhận định nhiều lĩnh vực đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, đặc biệt là những lĩnh vực đã tiến hành số hóa, ứng dụng công nghệ tân tiến và đổi mới.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện.
Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.
T.T