Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam xếp hạng 90/189 quốc gia.
Trong khi đó, Philippines đã tụt hạng, xếp thứ 103. Inquirer của Philippines nhìn nhận việc kinh doanh ở nước này đã trở nên khó khăn hơn so với các quốc gia khác.
Với kết quả này, Việt Nam lọt top 5 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất Đông Nam Á, sau Singapore (đứng đầu), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (49) và Brunei (84).
Các chỉ số Việt Nam có cải thiện gồm:
- Khởi sự kinh doanh: Thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 10 ngày với 5 thủ tục
- Tiếp cận điện năng: Thời gian tiếp cận giảm 56 ngày, nhưng thứ hạng vẫn thấp xa so với các nước trong ASEAN 4. Hiện thứ hạng về tiếp cận điện năng của Việt Nam là 108, cách khá xa so với Malaysia (đứng thứ 13), Philippines (19), Singapore (6), và Thái Lan (11)
- Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH): Giảm 102 giờ, còn 770 giờ, nhưng số giờ nộp thuế và BHXH tại Việt Nam vẫn gấp 3 lần Thái Lan, gấp 4 lần Philippines và gấp 9 lần số giờ tại Singapore
- Giải quyết phá sản doanh nghiệp: Tăng 2 bậc, nhưng vẫn ở thứ hạng thấp (123/189 quốc gia). Thời gian giải quyết phá sản ở Việt Nam là 5 năm, trong khi thời gian này ở Malaysia là 1 năm và Singapore là 9,5 tháng
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến hết năm 2016, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ đạt trung bình ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Philippines) trên 3 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thuế; Thanh tra, kiểm tra thuế; Thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thể đạt trung bình ASEAN 3 (gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Vũ Trọng