Hàng trăm cửa hàng xăng dầu ở các thành phố lớn nhất Việt Nam đã đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong những tuần gần đây do khó khăn tài chính và nguồn cung trong nước eo hẹp. Tình trạng đứt gãy cục bộ việc cung ứng xăng dầu tiếp tục xảy ra thêm một số nơi, nhất là ở các thành phố lớn.
![]() |
Nhân viên đổ xăng cho ô tô tại cây xăng ở Hà Nội. |
Ông Nguyễn Hồng Diên phát biểu trước Quốc hội: Nguồn cung toàn cầu ngày càng khan hiếm hơn khi các nước đổ xô mua trước khi OPEC + cắt giảm sản lượng và các biện pháp trừng phạt tiếp tục đối với Nga.
Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ mạnh để nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục biến động, tăng 0,75 điểm phần trăm trong tuần qua và dự báo tiếp tục được điều chỉnh tăng thời gian tới. Ông Diên cho biết sự tăng giá của đồng đô la đang làm cho nhiên liệu nhập khẩu trở nên đắt hơn, làm tăng thêm những khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông cho biết một số nhà nhập khẩu nhiên liệu cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng để thanh toán cho hàng nhập khẩu do khó đáp ứng điều kiện cho vay và bảo lãnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp trong tuần này với các ngân hàng thương mại để thảo luận về vấn đề thanh khoản trong hệ thống khi các ngân hàng phải đối mặt với áp lực từ việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn.
Ông Diên cho biết Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với văn bản của Bộ Tài chính xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu vào Việt Nam. Nếu không có gì biến động thì trong kỳ điều hành tháng 11 này, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật, tháo gỡ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Ông cho biết hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam, với tổng công suất 330.000 thùng/ngày, cung cấp 70% đến 80% nhu cầu nhiên liệu của cả nước, nhưng "các nhà máy này cũng phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu".
Ngày 2/11, Bộ Công Thương đã kêu gọi các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất xăng dầu chia sẻ nguồn cung của mình từ nguồn dự trữ thương mại, kể cả việc tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng nhập khẩu để giảm bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Trung Việt