Các nội hàm của mối quan hệ hợp tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10 tháng 9 năm 2023. |
Trên cơ sở đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ ký nhiều thoả thuận trong đó có các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản, đặt hàng máy bay trị giá hàng tỷ đô la và tăng cường thảo luận về đào tạo trong nền kinh tế kỹ thuật số...
Việt Nam đang tìm kiếm vị trí của mình trong cạnh tranh quốc tế về lĩnh vực xuất khẩu công nghệ và dệt may với tư cách là một trung tâm sản xuất chi phí thấp.
Vietnam Airlines dự kiến sẽ ký thỏa thuận sơ bộ mua khoảng 50 máy bay Boeing 737 Max trong một thỏa thuận trị giá khoảng 7,5 tỷ USD. Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ hỗ trợ “hơn 33.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp” tại Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ 5 thế giới vào năm 2022 khi các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, với dự báo sẽ đón 150 triệu hành khách vào năm 2035.
Các giám đốc điều hành của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing dự kiến sẽ gặp các giám đốc điều hành công nghệ Việt Nam và Ngoại trưởng Antony Blinken tại Hà Nội ngày hôm nay (11/9), cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến đối với các công ty công nghệ Hoa Kỳ.
Nhà Trắng cho biết Amkor Technology có trụ sở tại Arizona sẽ bắt đầu hoạt động tại một nhà máy mới trị giá 1,6 tỷ USD ở Bắc Ninh vào tháng 10. Marvell Technology có trụ sở tại Delaware và Synopsys có trụ sở tại California sẽ lần lượt đầu tư vào các trung tâm thiết kế và ươm tạo chất bán dẫn tại TP.HCM.
Nhà Trắng cho biết Microsoft sẽ tạo ra “các giải pháp dựa trên AI phổ quát phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi”, trong khi NVIDIA sẽ hợp tác với FPT, Viettel và Vingroup của Việt Nam để phát triển AI trong nước.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết chất bán dẫn vẫn là trọng tâm của kế hoạch hành động được thông qua trong chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cung cấp 100 triệu USD hàng năm trong vòng 5 năm theo Đạo luật CHIPS để hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Các quan chức cho biết phần lớn trong số đó có khả năng sẽ đến Việt Nam.
Hỗ trợ nhiều hơn cho việc đào tạo công nhân lành nghề cũng là một phần của thỏa thuận khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư nghiêm trọng trong ngành chip.
Các quan chức cho biết, một vấn đề quan trọng khác là tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, mà trữ lượng của Việt Nam ước tính đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ đang giúp “Việt Nam tăng cường khả năng chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và quốc tế”, bao gồm cả “đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo dự kiến hôm nay (11/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội kiến Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính; dự tọa đàm với các doanh nghiệp; gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đến đầu giờ chiều, Tổng thống Mỹ sẽ đến địa điểm đặt phù điêu thượng nghị sỹ John McCain và đặt hoa tại phù điêu...
Thành An