Chìa khóa… Đổi mới
Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định, đường lối Đổi mới do Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đề ra và các đại hội sau tiếp tục hoàn thiện, phát triển đã mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Những cải cách kinh tế và chính trị đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Trong giai đoạn 2002-2018, GDP bình quân đầu người đã tăng 2,7 lần, đạt hơn 2.700 USD năm 2019 và hơn 45 triệu người đã thoát nghèo. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6%.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đã thể hiện được khả năng phục hồi đáng nể. WB đánh giá tác động của Covid-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng như các nước khác do quốc gia này nhanh chóng áp dụng các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Dịch bệnh cũng không thể ngăn cản kinh tế Việt Nam đạt những kết quả “ngoạn mục”.
Việt Nam sau 35 năm Đổi mới - Bước chuyển mình lịch sử (Ảnh Int) |
Chuyển đổi số - chất xúc tác cho nền kinh tế
Việt Nam ý thức được rõ chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế sau 35 năm Đổi mới. Tác giả cho biết cuối năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Với sự tác động mạnh mẽ và bất ngờ từ dịch Covid-19, tiến trình chuyển đổi số có cơ hội được đẩy mạnh hơn. Trong vòng 7 năm (2014-2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Giai đoạn 35 năm qua cũng đánh dấu những tiến bộ vượt bậc của ngành y tế Việt Nam, không chỉ trong công tác nghiên cứu mà còn trong phát triển và ứng dụng công nghệ. Những thành tựu của ngành y tế Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, như sản xuất vaccine phòng bệnh, ghép tạng…
Covid-19 cũng mang lại nhiều thay đổi cho nền y tế Việt Nam. Ngay trong công tác phòng chống dịch, các ứng dụng công nghệ được áp dụng triệt để như ứng dụng truy vết Covid-19 Bluezone, hay sử dụng các mạng xã hội Facebook, Zalo… để tuyên truyền về cách thức phòng chống dịch bệnh. Tất cả hoạt động trên được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ Việt Nam ban hành tháng 6/2020.
Bảo vệ chủ quyền, gìn giữ hòa bình thế giới
Trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng - an ninh, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật. Thành tựu đầu tiên chính là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao thế và lực cho đất nước.
Bài viết nhắc lại với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hiệp quốc. Sự chuẩn bị chu đáo được tiến hành song song với công tác đàm phán và vận động đã nhận được sự ủng hộ kỷ lục về số nước đồng bảo trợ (110 quốc gia). Điều này khẳng định hơn nữa uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đối với vấn đề Biển Đông, tại các hội nghị quốc tế và ASEAN, Việt Nam đã nêu vấn đề Biển Đông và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong khu vực cũng như bên ngoài.
Bài viết kết luận, đối với một quốc gia, 35 năm có thể không phải là khoảng thời gian dài, nhưng với Việt Nam, đó là cả một quãng thời gian “Đổi mới” và chuyển mình lịch sử. Với những thành tựu trong 35 năm qua, một Việt Nam đổi mới, năng động và liên tục phát triển sẽ trở thành “điểm sáng” trên bản đồ thế giới.
Vũ Trọng (Theo TTXVN)