Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cho rằng chiến lược thương mại của Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào các biện pháp bảo hộ nhằm giảm thâm hụt thương mại, có khả năng đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, điện tử và đồ nội thất. |
Cơ hội và thách thức
Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018, các mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, để tránh các loại thuế mới. Điều này đã mang lại một làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào Việt Nam, khi các công ty Mỹ và các công ty quốc tế muốn duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ mà không phải chịu mức thuế cao. Các ngành như điện tử, dệt may, và gia công cơ khí của Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ sự chuyển dịch này.
Một ví dụ nổi bật là IBE Electronics hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, đã quyết định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2019. Bà Angel Xu, người sáng lập công ty, cho biết việc lựa chọn Việt Nam giúp công ty này tránh mức thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Nhà máy của IBE tại Bắc Ninh hiện có khách hàng lớn như Tesla và có thể chuyển đổi nhanh chóng trong vòng sáu tháng để tránh các chi phí thuế quan cao.
Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ vào việc các công ty tìm cách tránh thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót gần 4,5 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2023, tăng 78% so với năm trước. Xuất khẩu linh kiện điện tử và máy tính của Việt Nam sang Mỹ cũng đạt trên 13 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Việc ông Donald Trump đưa ra đề xuất áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ và 60% đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nước xuất khẩu. Chiến lược thương mại của ông có thể dẫn đến những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm giải quyết các vấn đề về thâm hụt thương mại của Mỹ, trong đó có thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ - đạt mức cao thứ tư sau Trung Quốc, Mexico và Canada, với giá trị lên đến khoảng 100 tỷ USD vào năm ngoái.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể khiến Việt Nam trở thành đối tượng tiềm năng cho các biện pháp áp thuế hoặc điều tra chống phá giá từ phía Mỹ. Chính sách thương mại bảo hộ này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, điện tử và đồ nội thất, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo nếu Mỹ quyết định áp thuế hoặc áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn, điều này sẽ gây ra áp lực lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc khối Khách hàng Định chế Công ty TNHH Chứng khoán Maybank nhận định: việc áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gia tăng rủi ro cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dệt may và điện tử. Những ngành này đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ lợi thế về chi phí lao động thấp, nhưng nếu bị tác động bởi thuế quan, hiệu quả cạnh tranh của Việt Nam có thể giảm sút.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital, cho rằng mặc dù Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, nhưng các chính sách bảo vệ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, dệt may và đồ nội thất. Việc sản xuất linh kiện tại Việt Nam nhưng lắp ráp tại Trung Quốc có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với việc chuyển hàng bất hợp pháp. Điều này tạo ra một sự không chắc chắn trong việc duy trì mức xuất khẩu ổn định, đặc biệt là đối với các ngành phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Bà Xu cũng bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có thể phải đối mặt với thuế quan của Mỹ trong tương lai, dù công ty của bà vẫn quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Việc gia tăng thuế nhập khẩu có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là khi các chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao.
Khả năng chống chịu
Trước những thách thức tiềm tàng, Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Theo ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác về Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ như một biện pháp nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Động thái này không chỉ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu truyền thống mà còn mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các cải cách để nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính phủ đã đầu tư vào các ngành công nghiệp giá trị cao như sản xuất linh kiện điện tử, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao. Các cải cách này giúp Việt Nam củng cố vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có nền tảng vững chắc hơn để đối phó với các biến động trong tương lai.
Ông Fred Burke, cố vấn cao cấp tại Baker McKenzie, nhận định rằng Việt Nam đã duy trì chính sách ngoại giao khéo léo trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này giúp Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với cả hai cường quốc kinh tế, trong khi tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang ở trong vị thế thuận lợi để đối phó với các rủi ro từ chính sách bảo hộ của Mỹ. Một số ngành như dệt may có thể cạnh tranh với Trung Quốc ngay cả khi bị áp thuế, nhờ chi phí lao động thấp và vị trí gần các trung tâm sản xuất chính ở châu Á. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ, các công ty đa quốc gia không chỉ tìm kiếm nơi có chi phí thấp mà còn là nơi có môi trường kinh doanh ổn định.
Mặc dù vậy, một số rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ vẫn tồn tại, và Việt Nam cần có các chiến lược dài hạn để duy trì tăng trưởng bền vững. Điều này bao gồm việc đầu tư vào các ngành công nghệ cao và tăng cường năng lực sản xuất nội địa. Theo ông Phạm Lưu Hưng, chuyên gia kinh tế trưởng tại SSI Securities, mặc dù Việt Nam có thể mất một số lợi thế từ cuộc chiến thương mại, nhưng nếu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghệ, họ có thể giành lại lợi thế so với đối thủ.
Thành An