"Báo cáo Việt Nam: Khả năng cạnh tranh và kết nối của doanh nghiệp" vừa được WB công bố ngày hôm nay (7/9) cho thấy, bối cảnh khu vực tư nhân trong nước còn yếu, khu vực FDI có hiệu ứng lan tỏa hạn chế, năng suất thấp và thiếu đổi mới sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ trong nước còn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực Malaysia, Thái Lan.
DN đa quốc gia tỷ lệ công ty nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước còn khá thấp ở Việt Nam
Đáng chú ý, phân tích cấp doanh nghiệp, bà Asya Akhlaque, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Nhóm Ngân hàng thế giới, cho biết, về phía cầu - DN đa quốc gia tỷ lệ công ty nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước còn khá thấp ở Việt Nam. Phía cung - nhà cung cấp trong nước, tỷ lệ công ty trong nước "có kết nối" xuất khẩu gián tiếp tối thiểu 1% đầu ra ở Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia tương đương, ví dụ Trung Quốc và Malaysia.
Nhận định nguyên nhân thất bại thị trường chính trong các chương trình kết nối, bà Asya Akhlaque cho biết, thiếu nhà cung cấp trong nước cạnh tranh. Số công ty nước ngoài có chứng nhận chất lượng quốc tế nhiều hơn công ty trong nước có kết nối hoặc không có kết nối.
Thiếu nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh nghĩa là công ty nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác và kết nối với các công ty có thể cung cấp một cách ổn định về chất lượng, khối lượng và giá cả và kịp thời các đầu vào cần thiết cho sản xuất.
Bên cạnh đó, việc thiếu tiếp cận tài chính được coi là rào cản kinh doanh hàng đầu của các công ty ở Việt Nam. Nhiều công ty Việt Nam phàn nàn về tiếp cận tài chính khó hơn so với các công ty ở các quốc gia tương đương. Việt Nam có xếp hạng thấp hơn Malaysia và Thái Lan về số công ty tiếp cận được với tín dụng/khoản vay hoặc thấu chi. Tuy nhiên, không có chênh lệch lớn giữa các công ty trong nước có và không có kết nối.
Do vậy, với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù nhằm khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của mình. Dựa trên kinh nghiệm thành công trong nước các mô hình và các cách tiếp cận của quốc tế.
Thy Lê