Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), 9 tháng đầu năm 2024, tổng thương mại của Việt Nam với thế giới đạt 578,4 tỷ USD, trong đó 6 thị trường lớn nhất (gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản) chiếm tới 78,6%, tương ứng đạt 455,1 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 219,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ 6 thị trường lớn nhất. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 33,8 tỷ USD. Hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng tăng 9,8% về giá trị, đạt 12,2 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 8,2%, đạt 41,5 tỷ USD. Việt Nam chi 16,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng lên mức +6,2% YoY, đạt 10,9 tỷ USD.
9 tháng đầu nViệt Nam chi tới 105 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024. |
Đáng chú ý, Việt Nam chi tới 105 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân này tăng tới 32,5%, kéo tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm từ Trung Quốc đạt mức cao nhất 10 năm và lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Cả năm 2023, Việt Nam chi 110,6 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Ngược lại, về xuất khẩu, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang 6 thị trường lớn nhất đạt 235,6 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai với 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ.
Tiếp tục dẫn đầu là Mỹ với 89,4 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm này. Thị trường lớn tiếp theo là EU với 38,1 tỷ USD, tăng tới 17%.
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam với 27,6 tỷ USD hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024, ghi nhận tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Hai thị trường còn lại trong nhóm là Hàn Quốc và Nhật Bản đạt lần lượt 18,9 tỷ USD và 18 tỷ USD, tăng lần lượt 7% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực. Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay.
Kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD dù giảm 2,6% so với năm 2022 nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%.
Đặc biệt, kể từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam từ năm 2022, từ chỗ chủ yếu nhập chính ngạch sầu riêng tươi Thái Lan, thì nửa đầu năm nay, sầu riêng tươi Việt Nam chiếm gần 28% tổng tổng kim ngạch nhập của Trung Quốc, với giá trị 1,1 tỷ USD.
Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có nền nông nghiệp với nhiều nét tương đồng. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ. Gần đây hai bên cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi, chanh leo...
Giao lưu nhân dân diễn ra không chỉ giữa các tổ chức, hội quần chúng mà cả hoạt động đi lại của người dân hai nước cũng rất sôi nổi. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2,1 triệu lượt, chỉ sau Hàn Quốc. Con số này tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, công tác xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc được đẩy mạnh. Việt Nam đang triển khai rất nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến tại Trung Quốc. Sắp tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức 2 đoàn giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tứ Xuyên - Trùng Khánh, Bắc Kinh - Thượng Hải, tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ Du lịch Trung Quốc - ASEAN…
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14-10-2024. Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, với Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nhau trong khuôn khổ song phương và đa phương. Đặc biệt, chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân hồi giữa tháng 8. |
Hồng Hương