Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản chi từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới, nhờ kết quả giảm phát thải do hạn chế được tình trạng mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.
Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019 và đem về khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD (tương đương với khoảng 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ FCPF.
Được biết, đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao.
Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. |
Bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia.
Số tiền này dự kiến sẽ được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi, xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia. Theo đó, 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khoản tiền bán tín chỉ carbon này.
Việc Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, thực hiện thành công thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” đã cho thấy kết quả khả quan từ những nỗ lực tích cực cùng tiềm năng to lớn trong việc giảm phát thải, phát triển ngành nông-lâm nghiệp xanh, sạch…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan cho biết, thành công của chương trình REDD+ đưa Việt Nam đến gần hơn với việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến ngày càng được nhiều quốc gia triển khai. Trong đó, Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon.
Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng… đều có triển vọng chuyển hướng sang sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các phương pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, canh tác hữu cơ…Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ…
Với đơn giá 5 USD/1 tín chỉ carbon như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và đem về gần 300 triệu USD/năm.
Bích Tâm