Sự bùng nổ của Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã đẩy nhu cầu về kỹ sư công nghệ chip lên cao, khiến nhiều công ty công nghệ trên thế giới phải tìm đến Việt Nam như một điểm đến lý tưởng. Với nguồn nhân lực tài năng, chi phí lao động cạnh tranh, Việt Nam nhanh chóng trở thành "thỏi nam châm" thu hút sự quan tâm của các "ông lớn" trong ngành công nghệ chip.
Theo bài viết trên báo Nikkei Asia, tập đoàn Alchip Technologies - nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), đang đẩy mạnh việc tìm kiếm tài năng tại Việt Nam. Dự kiến, tập đoàn này sẽ thiết lập văn phòng đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay và có kế hoạch tăng số lượng kỹ sư lên đến 100 người trong vòng 2-3 năm tới.
Việt Nam trở thành thỏi 'nam châm' hút ngành chip bán dẫn. |
Ông Johnny Shen, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alchip Technologies, cho biết: "Việc thu hút kỹ sư tài năng ở những thị trường công nghệ tên tuổi như Nhật Bản không hề dễ dàng đối với Alchip Technologies. Trong khi đó, nguồn kỹ sư tài năng đầy hứa hẹn của Việt Nam với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã trở thành lựa chọn rất hấp dẫn đối với chúng tôi."
Không chỉ có Alchip Technologies, nhiều công ty công nghệ khác cũng đang hướng tới Việt Nam. GUC và Faraday Technology, hai nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho tập đoàn sản xuất chip TSMC và United Microelectronics (UMC) của Đài Loan (Trung Quốc), cũng đang tích cực tìm kiếm nhân tài tại Việt Nam.
Ngoài các công ty Đài Loan, các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc cũng đang chuyển mối quan tâm đến nguồn kỹ sư công nghệ của Việt Nam. Trong bối cảnh tình trạng "chảy máu chất xám" tại Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng, nhiều tập đoàn công nghệ Hàn Quốc đã chọn Việt Nam làm điểm đến mới cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Hãng bán dẫn BOS Semiconductors của Hàn Quốc đã đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2022. Ban đầu, hãng này chỉ thiết lập một nhóm hỗ trợ nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc với đội ngũ kỹ sư Việt Nam, lãnh đạo BOS Semiconductors đã quyết định phát triển nhóm hỗ trợ này thành một lực lượng nhân sự hùng hậu. Ông Lim Hyung Jun, Giám đốc quốc gia của BOS Semiconductors, nhận định: "Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành một trung tâm R&D quan trọng mà chúng tôi không ngờ tới."
Theo ông Lim, nếu BOS Semiconductors đạt được mục tiêu thiết lập một hệ thống trên chip (SoC) tại Việt Nam, điều này sẽ chứng minh tiềm năng to lớn của thị trường nhân lực bán dẫn tại quốc gia Đông Nam Á này. Thành công của BOS Semiconductors có thể sẽ định hình xu thế thị trường nhân lực bán dẫn trong thời gian tới.
Việc các công ty công nghệ lớn trên thế giới, như Alchip Technologies, GUC, Faraday Technology, và BOS Semiconductors, đổ xô tìm kiếm nhân tài tại Việt Nam không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của nguồn nhân lực công nghệ tại đây mà còn cho thấy Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Hãng công nghệ Marvell của Mỹ cũng không nằm ngoài xu thế này khi đặt mục tiêu tăng số lượng kỹ sư công nghệ tại Việt Nam lên khoảng 500 người vào năm 2026. Điều này không chỉ áp dụng cho các văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra văn phòng mới tại Đà Nẵng. Synopsys, nhà cung cấp công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới, hiện cũng đang có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế đặt tại một số thành phố lớn của Việt Nam.
Không giống như các lĩnh vực công nghệ thấp, hoạt động của Marvell tại Việt Nam đòi hỏi khả năng kỹ thuật tiên tiến. Hoạt động này chủ yếu tập trung vào kết nối quang học tốc độ cao của trung tâm dữ liệu, lưu trữ và công nghệ bán dẫn tín hiệu hỗn hợp, tất cả đều cần thiết để mở rộng cơ sở hạ tầng AI.
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại thị trường Đài Loan và Nam Á, đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn. Ông nhấn mạnh rằng, nhờ sự quan tâm lớn từ sinh viên và lực lượng lao động đối với ngành này, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ, Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những trung tâm công nghệ bán dẫn quan trọng của khu vực.
Lê Hồng