Đây có thể nói là những con số dự báo tăng trưởng “màu hồng” vừa được Ngân hàng thế giới (WB) chính thức công bố tại Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” sáng 23/2.
Song theo các chuyên gia, để đạt được kết quả tốt như dự báo năm 2035, Việt Nam cần phải tăng năng suất lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo khu vực tư nhân trong nước có được sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai và nguồn lực…
Tầng lớp trung lưu chiếm 1/2 dân số
Báo cáo nhấn mạnh, nếu kiên trì cải cách, thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ là mẫu hình cho tăng trưởng và phát triển dựa trên các con số như: gấp 5 lần quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng lý tưởng 6 – 7%, thu nhập đầu người đạt và ngang bằng các nước trong khu vực và đặc biệt nhóm dân giàu (tầng lớp trung lưu) tại Việt Nam sẽ đạt quy mô một nửa số dân.
Báo cáo chỉ rõ, hiện nay, kinh tế Việt Nam có quy mô GDP đạt khoảng 200 tỷ USD, ước tính đến năm 2035, quy mô GDP sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD và hơn nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc hơn thế (tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ năm 2011). So với con số dưới 10% hiện nay, điều này cũng khiến cho thị trường trong nước có tiềm năng trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, để tạo ra được những thành tích trên, Việt Nam phải vượt qua các thách thức lớn. Theo đó, WB đưa ra các kịch bản cho tăng trưởng Việt Nam trong 20 năm tới (2016 – 2035).
Nếu tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 3,8% (mức không mong muốn), thì các mục tiêu trên không thể đạt được. Còn nếu tăng trưởng GDP là 5,5% (kịch bản có thể đạt được như trong giai đoạn 1990-2014) thì thu nhập bình quân/người/năm của Việt Nam năm 2035 chỉ đạt 15.000 USD. Năm 2040 mới có thể đạt 18.000 USD/người.
Với kịch bản GDP tăng trưởng (mục tiêu, kịch bản khát vọng) trên 7%/năm, GDP/người của Việt Nam năm 2035 sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp tốc độ phát triển của các nền kinh tế trong khu vực như: Indonesia và Philippines.
Các tác giả của Báo cáo khẳng định, nếu thành tích tăng trưởng GDP của Việt Nam được đảm bảo bền vững, trong vòng 20 năm tới, số dân sống tại đô thị tại Việt Nam sẽ đạt 50% (khoảng 54 triệu người trong 108 triệu dân). Các ngành công nghiệp dịch vụ sẽ chiếm 90% GDP và chiếm 70% lao động của nền kinh tế. Khi đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP sẽ là 80%…
![]() |
Việt Nam cần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của khối kinh tế tư nhân, vì đây chính là động lực tạo việc làm, đổi mới và nâng cao năng suất lao động.
Mấu chốt là tăng năng suất lao động
Song khi nhìn vào thực tế bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện tại, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng hiện Việt Nam vẫn là một nước nghèo. “Chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là trong tương quan với các nước bên cạnh”.
Bộ trưởng Vinh dẫn chứng, đầu thế kỷ XIX (năm 1820), Việt Nam đã có một vị trí rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình thế giới, chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan và hơn 1/5 thu nhập của Malaysia.
Theo Bộ trưởng Vinh, tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nêu qua con số như vậy để thấy hiện nay, yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đối với Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Chỉ 10 năm nữa, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng. Cùng với đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản…. không còn nhiều lợi thế.
Vì thế, Bộ trưởng Vinh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, con đường duy nhất là tăng năng suất lao động, yếu tố mà Việt Nam đang rất yếu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với chính thức, hơn 44% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Ngoài yếu tố năng suất lao động, nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các DN tư nhân trong nước bằng cách củng cố nền tảng kinh tế thị trường, bởi sức khoẻ của DN trong nước chính là sức khoẻ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi… nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu như trong Báo cáo trên, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của khối kinh tế tư nhân, vì đây chính là động lực tạo việc làm, đổi mới và nâng cao năng suất lao động.
Ông Kim khẳng định, kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ phát triển tốt nếu giảm các rào cản cạnh tranh cũng như phân bổ nguồn vốn, đất đai hiệu quả hơn. Những bước đi này sẽ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế đem lại từ những cơ hội thương mại thông qua các Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Lê Thúy
Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, đây là cốt yếu giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, báo cáo đưa ra những cải cách môi trường thể chế kinh tế. Để đạt được các kết quả trong tầm nhìn 2035, thể chế nhà nước cần minh bạch, đổi mới và sáng tạo. WB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vay đối với Việt Nam, cho vay các dự án năng lượng tái tạo. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã cao các nguồn vốn ưu đãi không còn nữa, nhưng chúng tôi sẽ giúp các bạn về ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt năng lượng tái tạo, điện than chiếm 40% tổng lượng điện hiện nay. Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không ít. Lựa chọn duy nhất của Việt Nam hiện giờ là cải cách dựa trên ba trụ cột chính. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác cơ hội, không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó tránh khỏi. Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam từ một đất nước thiếu đói đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo, hòa bình, phát triển. Nền kinh tế bao cấp, kiệt quệ đã thành kinh tế năng động, đối tác, điểm đến của nhà đầu tư, doanh nghiệp toàn thế giới…Tuy nhiên, vẫn đòi hỏi nỗ lực hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn, trước hết là trong lãnh đạo, theo đúng phương châm công bằng, minh bạch, dân biết- bàn- kiểm tra. Việt Nam nên và cần làm gì để nắm bắt thời cơ vượt qua thử thách, phát huy mọi nguồn lực phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình, công bằng xã hội, bảo vệ sinh thái. |