Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ nhất do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, hơn 500 doanh nghiệp tư nhân đã tham dự. Có nhiều ý kiến cho rằng dù kinh tế nhà nước đã mất vai trò tiên phong, song doanh nghiêp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử, vẫn bị lép vế…
Ngày càng bé và yếu
Với chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, Diễn đàn đã thảo luận 10 chủ đề, bao trùm 7 ngành và 3 lĩnh vực. Các ý kiến tập trung vào những giải pháp gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng để kinh tế tư nhân phát huy được vai trò của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Bùi Văn Quân, cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân, đang tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, chiếm 51% lực lượng lao động cả nước và đóng góp trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Điều này cho thấy, khối DN tư nhân đang đem lại nhiều cơ hội cho mọi thành phần lao động trên cả nước, được coi là “xương sống” của nền kinh tế trong công cuộc hội nhập kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng phân biệt và bất cân xứng trong đầu tư, phân bổ và sử dụng nguồn lực giữa khu vực công và khu vực tư vẫn đang có xu hướng gia tăng. Đây được coi là rào cản lớn khiến khu vực kinh tế tư nhân khó phát triển.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng khối DNNN đã từng chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế, được ưu ái mọi mặt, với hy vọng tạo nên những quả đấm thép vì sự phát triển. Nhưng đến nay, khu vực kinh tế nhà nước đã mất đi vai trò tiên phong từng được đặt lên vai họ.
Sau 10 năm hội nhập, xuất khẩu tăng 30 lần về giá trị tuyệt đối, nhưng GDP của Việt Nam chỉ tăng 9,8 lần, GDP bình quân đầu người tăng 7,7 lần. “So sánh ba chỉ số đó cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp đến mức đáng lo ngại”, ông Vũ nói.
Các nguồn lực Việt Nam hiện nay đều dồn hết cho DNNN, cho đầu tư nước ngoài. Đơn cử là trong việc cấp đất đầu tư sản xuất, kinh doanh hay cấp vốn tín dụng._Thậm chí, mấy năm gần đây, Nhà nước phát hành trái phiếu chính phủ để rót vốn cho các DNNN. Trong khi DNTN không có những gói vay vốn hỗ trợ ưu đãi này.
Chưa kể, DNTN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, còn đang phải chịu sự chèn lấn của DNNN và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng thiếu vốn để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô cùng với đó là sự phát triển quá mạnh mẽ của khối DN FDI tại Việt Nam thời gian qua đang khiến các DNTN ngày càng kinh doanh yếu_hơn, cạnh tranh khó khăn hơn trên thị trường. “Chính điều này làm cho DNTN Việt Nam_ngày càng bé đi, yếu đi, bị lép vế và bị coi thường nhiều hơn”, bà Lan khẳng định.
![]() |
Doanh nghiệp tư nhân cần được đối xử bình đẳng
DNTN là nền tảng
Mục tiêu của Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ nhất là xây dựng được những chính sách tạo thuận lợi để khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất chính là những ưu tiên cải cách hàng đầu.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) kiêm Giám đốc Điều hành MBI, cho biết: Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng. Ngay lúc này đây, một chính sách phù hợp sẽ khuyến khích sự tăng trưởng mạnh và bền vững, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Theo bà Phạm Chi Lan, để có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì không có cách nào khác là phải thay đổi cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực.
“Tăng cường nền tảng kinh tế vi mô, sửa chữa những méo mó trên thị trường vốn và đất đai, cơ cấu lại việc phân bổ nguồn lực đối với khu vực kinh tế tư nhân là việc cần làm để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển”, bà Lan kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng khu vực tư nhân có vai trò quan trọng với nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang hình thành và phát triển.
Do đó, Chính phủ phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường thông qua phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ DN tư nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình.
Thanh Hoa