Số liệu thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam với trị giá 5,81 tỷ USD trong 8 tháng 2016.
Hám rẻ nên “đắp chiếu”
Trong khi việc nhập khẩu máy móc sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ thị trường Nhật Bản (2,69 tỷ USD, giảm đến 16,6%), Đài Loan (888 triệu USD, giảm 12,5%) thì duy nhất thị trường Trung Quốc chỉ giảm nhẹ 3,3% trong bối cảnh khối DN trong nước từ đầu năm đến nay đã nhập khẩu máy móc đến 8,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Cần nhắc lại, hồi năm ngoái, các DN Việt đã nhập khẩu 9 tỷ USD máy móc từ Trung Quốc, chiếm 18% trong cơ cấu nhập khẩu từ nước này. Chỉ tính riêng khối DN nhà nước, thời gian qua, việc một loạt nhà máy nghìn tỷ phải “đắp chiếu” vì sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu của Trung Quốc như cái “gai” trong mắt dư luận.
Điển hình như công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO – thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỷ đồng, nhưng đang trong tình trạng “đắp chiếu” và thiết bị đã thành đống sắt gỉ. Nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đang cầu cứu Thủ tướng Chính phủ vì thua lỗ luỹ kế đến 2.700 tỷ đồng mà một phần nguyên nhân từ việc đầu tư một dự án tốn kém, công nghệ lạc hậu. Tuy nói là sử dụng công nghệ EU nhưng thực chất nhà máy đã nhập rất nhiều thiết bị từ Trung Quốc trong quá trình nhà thầu Trung Quốc thi công dự án này.
![]() |
Việc nhập máy móc giá rẻ, công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc đang làm hàng Việt trở nên kém cạnh tranh
Như nhận định của Ts. Phạm Sĩ Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc nhập khẩu máy móc Trung Quốc không hề thấp tại các dự án EPC mà DN Trung Quốc thắng thầu. Điều này góp phần cho nhập siêu từ Trung Quốc không dừng lại được.
Với khối kinh tế tư nhân, việc đầu tư máy móc công nghệ Trung Quốc cũng vấp phải những sai lầm. Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một tổng giám đốc công ty sản xuất bao bì (100% vốn trong nước) thừa nhận đã mắc phải sai lầm vì hám rẻ khi suốt ba năm nay, công ty ông đã phải “đắp chiếu” một nhà máy sử dụng máy móc Trung Quốc mà nguyên nhân vừa do thừa công suất vừa do công nghệ đã lỗi thời.
Vị này cho biết thêm, mặc dù đã nhiều lần mời chào các DN khác có tiềm lực mua lại nhà máy này kèm theo “khuyến mãi” về giá trị sử dụng đất nhưng rốt cuộc vẫn là những cái “lắc đầu” vì họ sợ sa lầy với công nghệ, máy móc Trung Quốc.
Hàng hóa kém cạnh tranh
Thực tế cho thấy, nhiều loại máy móc Trung Quốc chỉ dùng vài năm là “có chuyện”, nhưng bù lại, nó có giá thành cực rẻ (chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn) so với các loại máy từ EU hay Nhật Bản. Hám rẻ là một trong những lý do chính khiến các DN Việt đầu tư các loại máy móc Trung Quốc với suy nghĩ hoàn vốn nhanh hơn.
Theo giới chuyên gia, nếu so sánh với việc đầu tư các máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, tuy mới sản xuất, có giá bán có thể bằng hoặc thấp hơn so máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Nhật, EU nhưng lại kém về độ bền, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và chi phí duy tu, bảo dưỡng.
Gần đây, có thêm một nguyên nhân đến từ việc Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cũ có hiệu lực từ 1/7/2016.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Tp.HCM (HAMEE) lo ngại Thông tư 23 quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm sẽ giúp cho các nhà cung cấp Trung Quốc có lợi thế lớn và tạo một rào cản phát triển đối với các DN nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam.
Dựa theo báo cáo phân tích số liệu nhập khẩu, HAMEE cho rằng việc quy định niên hạn không quá 10 năm đồng nghĩa với việc giảm 99% lượng máy nhập về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa các DNNVV buộc phải mua máy móc chất lượng thấp, lạc hậu, giá rẻ từ Trung Quốc.
Cần lưu ý, vào giữa tháng 9/2016 vừa qua, trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ có lưu ý cần kiểm soát chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, nhất là việc ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu.
Như khuyến nghị của giới chuyên gia, các DN Việt nên dịch chuyển nguồn nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc sang nước phát triển hơn, với chi phí cao hơn và chất lượng tốt hơn.
Nhưng, việc dịch chuyển này vẫn không thể ngày một ngày hai là thay đổi được, nhất là khi trong tư duy của nhiều DN Việt vẫn cứ nghĩ nhập máy móc rẻ từ Trung Quốc để sớm có lợi nhuận.
Điều này vô hình trung đang làm hàng Việt sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh so với hàng ngoại như hiện nay.
Thế Vinh