Câu chuyện Đạm Ninh Bình mới đây do thua lỗ nghìn tỷ phải xin Chính phủ hỗ trợ trả nợ thay cho họ khoản vay 125 triệu USD từ một ngân hàng của Trung Quốc không chỉ phản ảnh những bất cập trong vấn đề đầu tư của DN nhà nước mà còn cho thấy những khó khăn lớn của DN phân bón nội địa hiện nay trên thị trường phân bón trước áp lực từ phân bón ngoại nhập.
Bất lợi từ Trung Quốc
Giới chuyên gia lý giải rằng nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất urê thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) sử dụng nguyên liệu đầu vào là than đá. Thế nhưng, thời gian qua, giá than đá biến động mạnh làm cho giá thành sản xuất của nhà máy này tăng theo. Chính điều này làm giảm tính cạnh tranh so với urê nhập khẩu từ Trung Quốc.
Công suất thiết kế các nhà máy đạm trong nước đã lớn hơn nhu cầu tiêu thụ (nhất là các nhà máy như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ luôn duy trì công suất thực tế vượt công suất thiết kế), nhưng thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu phân đạm urê ước 228 nghìn tấn với giá trị 60 triệu USD. Điều đó càng làm tăng thêm sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN nội địa trên mảng thị trường phân đạm.
Nếu tính chung về lượng phân bón nhập khẩu trong nửa đầu năm nay, khối lượng và giá trị nhập khẩu đã đạt 2,34 triệu tấn và ước 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đầu năm nay, Bộ Công Thương từng dự tính nhập khẩu phân bón sẽ không thua gì năm ngoái, ở mức 1,1 tỷ USD. Theo ước tính, mỗi năm có trên 10 triệu tấn phân bón được sử dụng. Trong đó 2/3 dùng cho lúa, còn số lượng lớn phân bón khác (5-10% tổng số) dành cho ngô, cà phê và cao su. Phân bón là khoản chi phí lớn nhất trong tổng chi phí cho các loại cây trồng này.
Với 180 kg/ha, mức độ sử dụng phân bón tại Việt Nam cao hơn 30%-200% so với các nước Đông Nam Á khác. Nhu cầu cao là vậy, thế nhưng các DN phân bón nội địa, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, đã không đáp ứng được nhu cầu, giá cả thiếu cạnh tranh và nhường thị phần cho phân bón ngoại.
Theo phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khó khăn của ngành phân bón nội địa là chịu ảnh hưởng bất lợi từ Trung Quốc. Các nhà máy ở Trung Quốc duy trì việc cắt giảm 50% sản lượng từ đầu năm 2017 dù thuế xuất khẩu phân bón của nước này đã được giảm từ cuối 2016, gây tác động đáng kể lên giá và nguồn cung cho Việt Nam.
Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%) và giá phân bón Trung Quốc thường thấp hơn giá ở Việt Nam 10-15%. Cũng nên nhắc lại, cách đây 2 năm, Bộ Tài chính phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang danh mục không chịu thuế VAT (Luật thuế 71 sửa đổi). Quy định này khiến các DN phân bón nội địa không còn được khấu trừ thuế đầu vào, tác động xấu đến lợi nhuận mà còn khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.
![]() |
Sản phẩm Đạm Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường phân bón
Bài toán nan giải
Hồi cuối năm ngoái, Hiệp hội phân bón Việt Nam và Bộ Công Thương từng có đề xuất để Chính phủ điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế VAT sang thuế suất 0%. Nếu được chấp thuận, việc hạch toán của DN sản xuất phân bón sẽ thay đổi thành được khấu trừ thuế VAT đầu vào thay vì phải ghi nhận vào chi phí như trước đây.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Đại Nam, trong trường hợp chính sách này được thông qua, ước tính các DN sản xuất phân bón có thể tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm (theo Bộ Công Thương), từ đó, tạo sức cạnh tranh tương đối đáng kể về giá với phân bón nhập khẩu.
Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng để có thể ban hành luật sửa đổi hoặc ban hành luật mới thay thế, Quốc hội cần lấy ý kiến từ các bộ ngành liên quan bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp, do đó sẽ mất khá nhiều thời gian.
Trong khi đó, từ cuối năm 2016, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách thuế xuất khẩu mới đối với các mặt hàng phân bón bao gồm không áp dụng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân urê, DAP, TSP; giảm từ 30% xuống còn 20% thuế suất đối với NPK.
Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 46% tổng lượng nhập vào Việt Nam. Do vậy, chính sách mới này sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu phân bón trong năm 2017 ở Việt Nam. Rõ ràng, sự thay đổi trên sẽ tạo áp lực rất lớn đến các DN sản xuất phân bón trong nước về vấn đề cạnh tranh giá bán.
Để hỗ trợ các DN phân bón nội địa trong tình thế khó khăn như vậy, giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục có những thay đổi chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, thắt chặt quản lý, hạn chế nạn phân bón giả và phân bón nhập lậu qua đường tiểu ngạch.
Nên nhắc thêm, hồi tháng 5/2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên do là trước đó, các DN trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam, với cáo buộc việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.
Tuy nhiên, có ý kiến lưu ý là khi áp dụng biện pháp tự vệ có thể làm giá phân bón trong nước tăng. Mà điều này sẽ làm các nông dân không vui vì phải mua phân bón giá cao làm cho giá thành sản xuất tăng lên.
Cho nên, để cân nhắc lựa chọn giữa phân bón giá rẻ nhập khẩu phục vụ nông dân và tình trạng “yếm thế” của DN phân bón nội địa hiện nay là cả bài toán nan giải với các nhà hoạch định chính sách.
Thế Vinh