CJ (CheilJedang Corp) vốn không phải cái tên xa lạ với các doanh nghiệp (DN) trên thị trường FMCG ở Việt Nam. Từ hai năm trước, công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã từng nằm trong tầm ngắm của tập đoàn này.
Thế nhưng, trong đợt IPO của Vissan hồi tháng Ba năm ngoái, tập đoàn này đã phải “nuốt hận” khi bị Masan nẫng tay trên khi trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan.
Nhiều dư địa tăng trưởng
Ngay sau khi mua hụt Vissan, tháng 11/2016, phía CJ đã quay sang mua 47,33% cổ phần của công ty CP thực phẩm Cầu Tre và hiện nay họ đang thúc đẩy các thủ tục để mua thêm cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát công ty này, vốn là doanh nghiệp top 5 của ngành thực phẩm đông lạnh với thị phần 2,8% trong năm 2016.
Còn trong động thái mới nhất, tập đoàn của Hàn Quốc vừa mới đạt được thỏa thuận mua lại 64,9% cổ phần của công ty Thực phẩm Minh Đạt, một trong những DN sản xuất thịt viên (cá viên, bò viên…) lớn nhất Việt Nam, với doanh thu gần 270 tỷ đồng năm 2016.
Chỉ nhìn riêng vào động thái của CJ cũng đủ để thấy nhóm ngành FMCG vẫn đang rất nóng. Còn nếu nhìn vào đợt IPO của Vissan cũng cho thấy lĩnh vực này đang thu hút sự “thèm khát” của khối ngoại như thế nào. Và, động thái thúc đẩy mạnh M&A là nhằm để phục vụ cho ý đồ tấn công thị trường FMCG ở Việt Nam.
Đơn cử, với việc mua cổ phần của Minh Đạt, CJ kế hoạch bán các thực phẩm chế chiến sẵn của họ (bao gồm thịt viên) tại thị trường Đông Nam Á thông qua công ty này.
Bằng việc tham gia thị trường thông qua các công ty địa phương nổi tiếng sẽ giúp khối ngoại giảm đáng kể rủi ro kinh doanh mà họ có thể đối mặt nếu sử dụng thương hiệu riêng của mình. Sau đó, khi hoàn tất việc mua lại, khối ngoại sẽ có chiến lược tấn công thị trường bằng những sản phẩm thế mạnh của chính họ.
Theo nhận định mới đây của công ty chứng khoán Đại Nam (DNSE), trong năm 2017, nhóm ngành FMCG vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng và dự báo mức độ tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức hai con số.
Nếu tính chung hồi năm ngoái, nhóm ngành FMCG đã tăng 10,2% so với năm trước (năm 2015 tăng 9,8%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này đạt 7,8% (cùng kỳ 2015 tăng 8,5%) do sức mua không biến động lớn trong khi giá tiêu dùng tăng cao hơn. Tăng mạnh nhất là nhóm (+13%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (+10,7%).
Cũng theo phân tích của DNSE, việc này có được nhờ tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam đang tăng mạnh và sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người vào năm 2020 (theo Boston Consulting Group), dẫn tới nhu cầu tiêu dùng sẽ dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm cao cấp hơn, hứa hẹn cơ hội cho những dòng sản phẩm cao cấp có biên lợi nhuận gộp cao.
![]() |
Nhóm ngành FMCG còn nhiều dư địa để tăng trưởng và tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức hai con số
Nguy cơ “bán mình”
Giới chuyên gia của DNSE cho rằng có tiềm năng tiêu dùng lớn từ thị trường nông thôn. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 60 triệu dân cư sống ở nông thôn nhưng khu vực này mới chỉ chiếm 20% tổng doanh số bán lẻ cả nước.
Doanh thu mảng bán lẻ tại khu vực nông thôn đang cho thấy sự tăng trưởng nhanh hơn với mức tăng 5,8% YoY so với 5,3% YoY cho khu vực đô thị hồi năm ngoái.
Hơn nữa, làn sóng đô thị hóa được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện thu nhập và gia tăng mức tiêu dùng của khối dân cư này. Với mặt hàng sữa, và sản phẩm từ sữa, mức tăng trưởng về giá trị ở thị trường nông thôn là 8%, tăng 6% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các con số này đều vượt xa mức 1% và 0% của thị trường thành thị.
Ngay như thị trường tiêu thụ bia lớn cũng cho thấy sức hấp dẫn của ngành FMCG tại Việt Nam với mức tiêu thụ hàng tỷ lít bia mỗi năm. Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, cách đây 2 năm, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam đã là 41 lít/người, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản tại Châu Á, với mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4% và 5 năm qua là 5,7%.
Lý do khiến một nước đang phát triển như Việt Nam trở thành thị trường lớn đối với bia là thức uống này được đặc biệt ưa chuộng tại đây, chiếm đến 94% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn.
DNSE cho rằng thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ (tuổi trung bình là 30 tuổi) và kinh tế tăng trưởng mạnh. Dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4%-5%/năm.
Có thể thấy, với một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã, đang hoặc sắp có hiệu lực thì việc thu hút khối ngoại rót vốn vào thị trường FMCG tại Việt Nam sẽ càng lớn. Để gia tăng thị phần, việc M&A của khối ngoại với các doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng này cũng không còn là chuyện lạ.
Điều lo lắng hiện giờ là với hoạt động M&A của khối ngoại trên lĩnh vực FMCG sẽ làm cho khối nội phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ một số doanh nghiệp nội có chút ít tên tuổi trên thị trường FMCG Việt Nam phải “bán mình” cho khối ngoại trong một ngày không xa.
Thế Vinh