Tuy là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, nhất là các loại nông sản chủ lực lúa gạo, thủy sản và rau củ quả, thế nhưng nỗi lo tụt hậu những thách thức trước hội nhập cùng với tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL còn ì ạch.
Không thể theo kiểu cũ
Chính vì vậy, tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016 diễn ra ở Tp.HCM ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý vùng ĐBSCL phải đổi mới tư duy với hàng hoá toàn cầu, chứ không thể hoàn toàn làm theo kiểu cũ như hiện giờ.
Ông đưa ra trường hợp điển hình là ngành chế biến thủy hải sản tuy chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản cả nước nhưng vẫn thiếu những cách làm mới, hiện đại, sáng tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL vẫn chưa xứng với tiềm năng, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh trong vùng và chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng. Sản xuất lúa chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không cao…
Theo ước tính, hàng năm, vùng ĐBSCL đóng góp 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản, riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia.
Tuy nhiên, lâu nay, giới chuyên gia vẫn than phiền tăng trưởng kinh tế của vùng này thiếu vững chắc, tốc độ tăng trưởng và việc phát triển còn mang tính nhất thời, thiếu tính ổn định, bền vững.
Tiềm năng và lợi thế của ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, đúng tầm. Trong khi nền kinh tế ở đây vẫn phát triển chủ yếu theo chiều rộng.
Vấn đề hiện nay, theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững cho vùng ĐBSCL, cần có trung tâm động lực kinh tế vùng với các điều kiện thuận lợi về địa lý, kinh tế, có tiềm năng và tiềm lực lớn, tạo sự phát triển trước để làm động lực thúc đẩy cho quá trình phát triển của cả vùng.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần được quan tâm và làm rõ hơn nữa những mục tiêu ưu tiên, các quy hoạch phát triển và công trình trọng điểm cho vùng.
ĐBSCL cần có trung tâm động lực kinh tế vùng để làm động lực thúc đẩy cho quá trình phát triển của cả vùng
Cần chỉnh sửa toàn diện
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) từng cho rằng ở ĐBSCL, việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng không cao. Còn hệ thống kết cấu hạ tầng thì thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi.
Trong khi đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL lại thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập, môi trường ngày càng ô nhiễm.
Ngoài xuất phát điểm thấp, mức đầu tư thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp truyền thống, còn do những cơ chế, chính sách nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng của vùng ĐBSCL còn thiếu và chưa đồng bộ… đã lý giải vì sao vùng này đến giờ vẫn chậm phát triển.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐBSCL cần hình thành liên kết vùng, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương tạo ra chuỗi liên kết về năng lực và dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đổi mới tư duy nông nghiệp là vấn đề mà giới chuyên gia khuyến nghị để phát triển ĐBSCL trong thời gian tới. Ông Trần Hữu Hiệp ngỏ ý rằng danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại.
Theo ông Hiệp, đã đến lúc người miền Tây không cần tự hào về mỹ từ “vựa lúa”. Hay nhìn rộng ra, người Việt chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra; không cần thiết phải tự hào về “Vựa lúa quốc gia” hay “Bát cơm châu Á”, “Vương quốc trái cây”.
Tự hào làm chi khi chúng ta là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn…
Đã đến lúc cần phải thấy rằng đó không nên là mục tiêu ưu tiên, cần phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “bát cơm đầy” sang “bát cơm ngon”.
Cần thương mại hóa ngành lúa gạo, và sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu.
Còn theo Gs Võ Tòng Xuân, có một điều chắc chắn là cách làm hiện tại của chúng ta vẫn còn phải chỉnh sửa một cách toàn diện hơn nữa mới có thể nhanh chóng thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam.
Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ khắc phục hết những nguyên nhân đã khiến nông dân ĐBSCL bấy lâu nay tuy sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa giàu.
Thế Vinh
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính Phủ Các địa phương cần tập trung liên kết vùng, phát huy thế mạnh từng địa phương nhưng tránh cạnh tranh nội bộ, cần có sự phân công tỉnh nào trồng cây gì, phát triển con gì và tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm dịch vụ để_phát triển tốt hơn. Trong liên kết vùng, thành phố Cần Thơ phải là trung tâm kết nối của các tỉnh ĐBSCL, thúc đẩy phát triển vùng khi hội nhâp kinh tế quốc tế. Các địa phương cần đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn để bảo đảm tính ứng dụng thực tiễn; chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng. Ông Martijn van de Groep - chuyên gia WB Bốn chiến lược phát triển ĐBSCL trong tương lai gồm: Đối với vùng đồng bằng phía trên cần chuyển từ kiểm soát lũ sang sống chung với lũ với mục tiêu là tạo ra những vùng chứa lũ, tránh thiệt hại cho hạ lưu. Ở vùng ven biển sản xuất thủy sản, VN cần đưa ra các giải pháp thay thế cho những đê biển tốn kém bằng trồng rừng phòng hộ; Bên cạnh đó là phân vùng sản xuất để có những khu vực được bảo vệ dựa trên hệ sinh thái, chuyển đê điều ngăn mặn lùi sâu vào đất liền. Phát triển bền vững cho Bến Tre, Sóc Trăng bằng các mô hình sản xuất, phân vùng sản xuất theo khu vực nước mặn, ngọt và lợ. Hạn chế sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất, giảm áp lực cho hệ nước ngầm để sử dụng nguồn nước này cho ứng phó BĐKH. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ĐBSCL là khu vực chịu tác động đầu tiên của BĐKH. Trên thực tế, BĐKH đang tác động đến nông nghiệp và sinh kế. Hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 đã tác động đến 208.000 hecta lúa, 9.000 hecta cây ăn quả (cây trồng bị mất trắng hoặc giảm sản lượng); đến sản xuất thủy sản và chăn nuôi và hàng trăm ngàn hộ dân thiếu nước. Hạn hán đã qua thì lo lũ lớn. Bên cạnh đó, mọi dự báo đều cho thấy những diễn biến này sẽ xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất là nông nghiệp, nông dân, nhất là những người nghèo. |