Theo Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI), giá trị giao dịch bao thanh toán tại Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ. Số liệu thống kê của FCI cách đây 2 năm cho thấy chỉ vào khoảng 100 triệu Euro, trong khi tổng giá trị bao thanh toán toàn cầu đã đạt gần 2.373 tỷ Euro.
Chậm phổ biến!
Tại hội thảo Bao thanh toán quốc tế – hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp cận các cơ hội từ TPP và AEC diễn ra ngày 10/5 ở Tp.HCM do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) tổ chức, giới chuyên gia quốc tế tỏ ý than phiền tuy Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng nhiều DN trong nước vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm tài chính (trong đó có bao thanh toán quốc tế) để phát huy hết thế mạnh trong kinh doanh của mình.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, hoạt động bao thanh toán quốc tế ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ rất thấp (0,26%) trong khu vực ASEAN. Trong khi đây là phương thức nhằm giúp đẩy mạnh các giao dịch bảo đảm và tăng cường tiếp cận nguồn vốn tư nhân.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) cũng thừa nhận trong giai đoạn 2007 – 2014, bao thanh toán chưa phải là hình thức cấp tín dụng phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Theo bà Hằng, một số quy định hiện hành đã cản trở việc triển khai hoạt động bao thanh toán. Đơn cử như việc yêu cầu cung cấp hợp đồng gốc (hoặc bản sao có chứng thực) và yêu cầu văn bản xác nhận đã nhận được thông báo của bên mua hàng.
Về cơ bản, bao thanh toán đơn giản là một gói dịch vụ được thiết kế để tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế nhờ sử dụng những công cụ giảm thiểu rủi ro và tạo thanh khoản nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Vì vậy, đây là một phương thức được ưa chuộng trong thương mại trên khắp thế giới.
Ông Peter Mulroy, Tổng thư ký Hiệp hội Bao thanh toán Quốc tế (FCI), đã khuyến nghị đến các DN Việt rằng nếu muốn tăng kim ngạch thương mại thì cần phải có những điều khoản hấp dẫn người mua như phương thức thanh toán ghi sổ. Do đó, bao thanh toán có thể tham gia hỗ trợ mà không làm giảm độ an toàn hay ảnh hưởng đến dòng tiền của DN.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế, VIB, nhận định tại Việt Nam, dịch vụ Bao thanh toán quốc tế còn mới mẻ với nhiều DN và chưa phổ biến như các dịch vụ tài trợ thương mại truyền thống như L/C, D/P, D/A.
Theo ông Vũ, tỷ trọng tương đối và giá trị tuyệt đối của bao thanh toán quốc tế tại Việt Nam còn rất nhỏ bé. Minh chứng là tỷ lệ bao thanh toán theo thống kê từ năm 2014 của Việt Nam chỉ chiếm 0,016% châu Á, chứ chưa nói so sánh với thế giới.
Với cơ hội từ các FTA và TPP mang lại, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ bao thanh toán quốc tế
Doanh nghiệp cần nắm rõ
Ông Hàn Ngọc Vũ kể lại câu chuyện cách đây hai tuần, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có buổi làm việc đầu tiên với nhóm ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc này cho rằng nhiều DN Việt hiện nay vừa cần giá cả tín dụng phù hợp, nhưng cũng rất cần tăng khả năng tiếp cận với tín dụng, thậm chí điều thứ hai này còn quan trọng với họ hơn, đặc biệt là với các DN nhỏ và vừa. Và bao thanh toán chính là một trong các kênh có thể giúp DN vừa và nhỏ tăng được khả năng tiếp cận này.
Theo chuyên gia tài chính Vương Thị Huyền, nghiệp vụ bao thanh toán sẽ giúp cho DN Việt đạt được các hạn mức tín dụng hiện có, đồng thời được hưởng lợi nhờ những điều khoản thanh toán trả chậm theo phương thức ghi sổ, cũng như tránh được rào cản ngôn ngữ khi giao dịch với các đối tác nước ngoài.
Trên thực tế, với kim ngạch thương mại quốc tế hàng năm khoảng 300 tỷ USD, Việt Nam cho thấy có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ bao thanh toán quốc tế.
Nhất là trong bối cảnh thương mại xuyên biên giới ngày càng phát triển nhanh thông qua các điều khoản về phương thức thanh toán sau khi chuyển giao hàng hóa, các bên giao thương cần có sự hỗ trợ từ các dịch vụ tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh của họ, thu hồi các khoản phải thu và quản trị rủi ro.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu của quốc gia nói chung và sự lớn mạnh của các DN trong nước, giới chuyên gia đều có chung sự tin tưởng rằng bao thanh toán quốc tế sẽ là một trong những công cụ tài trợ thương mại hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các DN Việt tiếp cận, mở rộng thị phần, tăng năng lực sản xuất và vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách khu vực Đông Dương, các DN Việt Nam cần được làm quen với những công cụ tài trợ thương mại mới như bao thanh toán để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như thu hút được các đối tác nước ngoài để nâng cao doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thế Vinh