Các DN FDI với gần 20% về lượng và gần 47% về kim ngạch, so với trên 80% số DN Việt Nam với tổng kim ngạch khoảng 53% cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa hai nhóm.
Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam chiều 21/2, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends, cho biết ngành gỗ hiện có khoảng gần 900 doanh nghiệp (DN) FDI hiện đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD.
Các DN FDI có các hoạt động đa dạng, trong đó chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu (XK), tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.
FDI nắm 47% kim ngạch XK
Năm 2018, kim ngạch XK của các DN này đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng kim ngạch XK của cả ngành gỗ. Dù kim ngạch XK của các DN FDI trong ngành gỗ thấp hơn so với kim ngạch XK của các DN Việt Nam nhưng hiện vẫn tồn tại sự mất cân đối trong hoạt động XK của hai nhóm DN này.
Cụ thể, năm 2018, trong tổng số 3.200 DN ngành gỗ trực tiếp có các hoạt động XK với tổng kim ngạch XK toàn ngành đạt 8,47 tỷ USD, số DN FDI là 529, chiếm gần 20% trong tổng số DN XK nhưng kim ngạch gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng kim ngạch.
Các DN FDI với gần 20% về lượng và gần 47% về kim ngạch, so với trên 80% số DN Việt Nam với tổng kim ngạch khoảng 53% cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa hai nhóm.
"Sự chênh lệch này có lẽ phản ánh những khác biệt về một số khía cạnh giữa hai nhóm, bao gồm quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường XK sản phẩm", ông Phúc cho biết.
Phân tích xuất nhập khẩu gỗ năm 2018, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ XK của thế giới.
Do nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho chế biến XK, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn gỗ nguyên liệu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ, nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa. Năm 2018, các DN Việt Nam đã bỏ ra 2,34 tỷ USD để nhập khẩu nhiều loại mặt hàng gỗ, trong đó chủ yếu là gỗ nguyên liệu.
Bên cạnh đó, phát triển ngành vẫn mang đậm nét truyền thống, tập trung vào XK và mở rộng XK, đặc biệt ở các nhóm sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Kim ngạch XK năm 2018 cao nhưng giá trị và tốc độ tăng trưởng chủ yếu nằm ở các nhóm mặt hàng gỗ nguyên liệu và các loại ván.
"Tốc độ tăng trưởng ở các mặt hàng sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn không khác nhiều so với tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này ở các năm trước đó. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng hiện tại chủ yếu là do mở rộng XK các sản phẩm thô, sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào và các lợi thế về giá nguyên liệu và lao động, chứ chưa phải là mô hình phát triển đi theo chiều sâu, với giá trị tạo ra ở các khâu như kỹ năng, thiết kế, thương mại", ông Quyền cho biết.
Hơn nữa, xu thế hiện nay cho thấy lượng gỗ tròn và gỗ xẻ XK đang trên đà giảm, tuy nhiên lượng xuất còn tương đối lớn và điều này thể hiện một số điểm yếu của ngành. Gỗ tròn và xẻ XK chủ yếu là gỗ rừng trồng (keo, cao su) và gỗ nhập khẩu chủ yếu là các loài gỗ quý là gỗ tự nhiên.
DN gỗ Việt vẫn chủ yếu XK sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp |
Nghi vấn gỗ Trung Quốc "đội lốt"
Việt Nam tiếp tục XK các loài gỗ rừng trồng trong bối cảnh cầu trong nước về các loài gỗ rất lớn chứng tỏ ngành chưa có những cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp nhằm giữ lại nguồn cung này để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn.
Cùng với đó, trong bối cảnh ngành đang hội nhập sâu với thị trường quốc tế, XK các loài gỗ quý có nguồn gốc nhập khẩu làm sản sinh ra các rủi ro không phải chỉ trong các hoạt động thương mại có liên quan trực tiếp đến các loài gỗ này, mà còn làm ảnh hưởng đến toàn ngành gỗ.
Mặc dù nhập khẩu từ nguồn rủi ro đang trên đà giảm, lượng nhập hàng năm vẫn lớn và điều này sẽ là những thách thức lớn cho việc thực hiện thành công Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và Luật Lâm nghiệp trong tương lai.
Cung gỗ từ Campuchia là một trong những luồng cung có tính rủi ro cao nhất và đem lại những tác động tiêu cực nhất cho hình ảnh ngành gỗ Việt Nam – đang trên đà giảm, tuy nhiên luồng cung này vẫn đang tồn tại.
Hiện chưa có những cơ chế chính sách hiệu quả để đảm bảo một cách chắc chắn rằng gỗ cung từ nguồn này có thể đáp ứng được với các yêu cầu đã đề ra trong VPA/FLEGT.
Thêm vào đó, cung gỗ nguyên liệu từ các quốc gia châu Phi đang tăng nhanh. Đã có một số bằng chứng rõ ràng rằng một số quốc gia cung gỗ từ các quốc gia châu Phi có nền quản trị rừng rất kém.
Lượng gỗ nhập khẩu từ châu Phi tăng trong bối cảnh các thông tin về luồng cung gỗ từ nguồn này, bao gồm các cơ chế chính sách trong khâu khai thác, thương mại, chế biến, tiêu thụ tại các quốc gia cung gỗ này còn rất nhiều, làm sản sinh ra các loại hình rủi ro mới đối với ngành gỗ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã có những tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM, cho biết đã có bằng chứng rõ ràng về tình trạng gian lận thương mại lẩn tránh thuế của một số công ty Trung Quốc trong việc sử dụng Việt Nam là quốc gia trung chuyển để XK ván sang thị trường Mỹ để né thuế.
Cụ thể, ngày 20/11/2018, cơ quan thương mại Mỹ ra thông báo với nội dung điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Việc điều tra diễn ra trong 90 ngày, với lý do nghi ngờ các công ty này nhập gỗ ván được là từ gỗ phong có nguồn gốc từ Trung Quốc mà trước đó số ván này được sản xuất tại Trung Quốc, nhập khẩu vào Việt Nam và sử dụng nhãn mác Việt Nam để xuất sang Mỹ.
Ông Hạnh cho biết, hiện quá trình điều tra đang được tiếp tục. Kết quả của điều tra có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam.
Như vậy có thể thấy tốc độ tăng trưởng XK ở thị trường Mỹ năm 2018 không cao, cộng với cuộc điều tra về gian lận thương mại của Chính phủ Mỹ đang diễn ra tại Việt Nam cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa chắc đã đem lại lợi ích như một số người kỳ vọng. Ngược lại, cuộc chiến này có thể làm phát sinh một số rủi ro trong việc gian lận thương mại cho ngành gỗ.
Được biết, sáng hôm nay (22/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, XK gỗ, lâm sản năm 2018 – thành công, bài học kinh nghiệp, giải phá, bứt phá năm 2019.
Diễn đàn thu hút đông đảo bộ ngành, địa phương, chuyên gia và DN trong và ngoài nước tham gia. Tại đây, các giải pháp phát triển bền vững ngành gỗ chắc chắn sẽ được bàn thảo.
Lê Thúy
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM Trong sản xuất gỗ, các DN có thể tạo ra được giá trị gia tăng 5-15% nhưng nếu thiết kế thì giá trị tăng thêm 10 – 15%, làm được thương hiệu tăng lên 50- 200%. Lâu nay, DN thường đầu tư vào những gì chúng ta thấy là "phần cứng" – máy móc, công nghệ, mà quên rằng để giá trị gia tăng cao phải đi vào câu chuyện thiết kế, thương hiệu. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ sẽ tiếp tục được duy trì. Năm 2018, XK gỗ đạt gần 9 tỷ USD nhưng nhu cầu của thế giới lên tới 400 tỷ USD. Điều này cho thấy thị trường còn rất rộng mở. Tuy nhiên, hiện nay, các mặt hàng XK của Việt Nam vẫn chủ yếu là đồ gỗ, dăm gỗ, các loại ván nhân tạo và gần đây đẩy mạnh XK mặt hàng viên nén gỗ nguyên liệu. Các loại sản phẩm trên sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu rừng trồng. Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ nội địa có vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành gỗ Việt Nam. Ngành có XK được 20 tỷ USD đi chăng nữa nhưng vấn đề là chúng ta giữ được bao nhiêu giá trị ở lại trong nước. Hiện nay, thực trạng phát triển nguồn nguyên liệu còn nhiều bất cập, chúng ta cần có quy hoạch, chính sách đầu tư hiệu quả. Ngành công nghiệp chế biến gỗ phải dẫn dắt ngành lâm nghiệp phát triển. |