Mới đây, Bộ Công Thương có cho biết các DN ngành Dệt May đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, jacket. Điều này phần nào lý giải kim ngạch XK ngành dệt và may mặc trong tháng 5/2016 chỉ tăng khiêm tốn, ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 5/2015.
Yếu cạnh tranh, láng giềng vượt mặt
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK ngành dệt và may mặc ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Con số tăng trưởng này được cho là quá nhỏ bé so với kỳ vọng mà nhiều người mong ngành này mang lại, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Bộ Công Thương nhận định kết quả tăng trưởng này chủ yếu là do sự đóng góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Chính vì vậy, trước sự chênh lệch lớn khối nội và khối ngoại trong ngành dệt may, ngay như mục tiêu XK 31 tỷ USD trong năm 2016 của ngành này cũng được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỷ USD.
Thực ra, việc thiếu đơn hàng chỉ là bề nổi trong đầy rẫy những khó khăn của các DN dệt may Việt Nam hiện nay. Nhiều DNNVV trong lĩnh vực này đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn.
Ts. Nguyễn Công Ái, - Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng giá XK hàng dệt may Việt Nam cao hơn từ 15 - 30% so với giá thế giới. Nhưng các DN dệt may lại yếu kém trong khâu marketing và phân phối sản phẩm.
Thống kê hiện tại cho thấy cả nước có khoảng 6.000 DN dệt may, thu hút hơn 2,5 triệu lao động, chiếm khoảng 25% lao động trong khu vực công nghiệp. Tuy nhiên, năng suất lao động trong ngành này còn thấp. Năng suất lao động trung bình trong ngành bằng 1/3 so với Hồng Kông, 1/4 so với Trung Quốc. Điều đó đã ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.
Theo giới chuyên gia, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói, nên giá trị gia tăng còn thấp.
Và, việc đơn hàng mới có dấu hiệu chững lại làm cho ngành này càng tăng thêm áp lực đang đè nặng. Điều đáng nói, là khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar và Lào, bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường XK lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
![]() |
Mục tiêu XK 31 tỷ USDnăm 2016 của ngành dệt may được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỷ USD
Sẽ khó “đón sóng”
Một khó khăn lớn khác mà nhiều DN dệt may thường xuyên phải đối mặt, là nguồn vốn không đủ để họ trụ vững và cạnh tranh. Trong khi đó, dư nợ của ngành này tại một số ngân hàng lại tăng mạnh.
Theo bà Trần Thị Hồng Anh - Phó phòng phụ trách Phát triển sản phẩm và Marketing - Khối Khách hàng DN VietinBank, chỉ tính riêng vào cuối năm 2015, dư nợ cho ngành dệt may tại VietinBank đã tăng đến 32% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngoài ra, một điểm yếu cố hữu của ngành dệt may nội địa lâu nay, là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào NK. Hiện nay, dệt may Việt Nam NK nguyên phụ liệu lên đến 60 - 80%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí (50 - 60%).
Việc tìm nguồn cung thay thế, hoặc đầu tư các dự án cung ứng nguyên liệu đầu vào trong ngắn hạn là khó khăn, khi các DN dệt may nội địa có quy mô giới hạn.
Chính việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK, năng suất lao động, khả năng thiết kế hạn chế, nên các DN trong nước dường như thua thiệt hơn so với các DN FDI.
Có thể thấy, tập trung đầu tư cho vùng nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các lợi thế do TPP hay các FTA mang lại cho ngành dệt may Việt Nam.
Giới chuyên gia khuyến nghị, sự liên kết các DN trong ngành, tận dụng các sản phẩm ngân hàng tạo ra nguồn vốn lớn, linh động cùng với đổi mới năng lực quản lý, trình độ công nghệ là yếu tố then chốt giúp DN Việt Nam đứng vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các DN cần sớm “thông thạo” mọi quy định của hội nhập, kịp thời có “đường đi nước bước” phù hợp, tránh những thua thiệt trong thương mại quốc tế.
Cơ hội này chỉ thực sự được hiện thực hóa, nếu các DN Việt có được các bước chuẩn bị chủ động, tích cực để có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính.
Nhưng đồng thời, các DN dệt may Việt Nam phải giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành, như nguyên phụ liệu chủ yếu NK, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỷ lệ gia công cao, năng lực cạnh tranh còn yếu…
Tuy nhiên, những vấn đề này nếu để các DN tự khắc phục, mà thiếu đi sự hỗ trợ hiệu quả cần thiết, căn cơ từ phía cơ quan quản lý, thì e rằng sẽ rất khó để “đón sóng” trong tương lai, chẳng hạn như TPP.
Thế Vinh