Tình hình thị trường khả quan, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ An Cường cho biết, năm nay công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 11 và đơn hàng trong nước cũng dự kiến đến hết tháng 8-9/2024.
Không mở rộng ít nhất 5 năm tới
Hiện tại, công ty tập trung vào 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản, trong đó thị trường Mỹ đã chiếm tới 85%. Bên cạnh thị trường Mỹ, công ty đang tập trung thêm thị trường Canada và sắp tới sẽ mở đại diện văn phòng tại Mỹ để đẩy mạnh marketing và dịch vụ khách hàng tại những thị trường tiềm năng này.
Mục tiêu mở rộng sản xuất, xây thêm nhà máy không phải là ưu tiên hiện nay của nhiều doanh nghiệp. |
Tuy vậy trước câu hỏi sắp tới An Cường có dự định xây thêm nhà máy để tận dụng cơ hội thị trường phục hồi, ông Nghĩa cho biết sau quãng thời gian đối mặt với COVID-19, khủng hoảng kinh tế và nhiều vấn đề xảy ra, doanh nghiệp này chưa có kế hoạch mở rộng, xây thêm nhà xưởng ít nhất là trong 5 năm tới.
“Hiện nay, chúng tôi đang tối ưu hóa khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí và cố gắng 'chạy full' công suất của nhà máy”, ông Cường cho hay.
Thực tế, nỗi lo lắng của lãnh đạo An Cường giống với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 tăng 3,7%).
Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.
Cũng theo khảo sát từ Tổng cục Thống kê với các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024, có 44,1% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng so với quý I/2024; 38,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17,7% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, con số tăng trưởng của đầu tư tư nhân chỉ tăng 4,2% là rất thấp, thông thường, tốc độ tăng trưởng của đầu tư nhân phải tăng gấp đôi ở mức 8-9%. Điều này cho thấy hộ kinh doanh, DN tư nhân chưa 'xuống tiền' để mở rộng sản xuất – kinh doanh do còn băn khoăn lo lắng, lưỡng lự hoặc thận trọng.
Vẫn lo ngại môi trường kinh doanh
Trước đó, năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% - mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng bên cạnh các tác động tiêu cực từ bên ngoài hay tiêu dùng rất yếu.
Phân tích nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica, cho rằng đầu tư từ khu vực tư nhân ảm đạm do nhiều nguyên nhân, trong đó thị trường trong nước kém đi, tiêu dùng trong nước thấp, bất động sản im lìm hay các thị trường xuất khẩu sụt giảm.
Một nguyên nhân nữa được doanh nghiệp phản ánh đó là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro. "Chính sách khó tiên liệu, tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc trì trệ, tồn đọng khiến doanh nghiệp nản lòng. Vì thế, tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp", vị chuyên gia này đánh giá.
Vì vậy, muốn thúc đẩy đầu tư tư nhân cho doanh nghiệp trong lúc này cần tập trung cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn thay vì tập trung quá nhiều vào nới lỏng chính sách tiền tệ.
Qua quan sát, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước. Khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng lên sẽ tăng nhu cầu về tín dụng. Câu chuyện này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nếu tăng trưởng tín dụng không đi vào sản xuất sẽ đi vào thị trường tài sản và tạo ra bong bóng.
Theo đó, vị chuyên gia nhấn mạnh cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn cần đi kèm với chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy đầu tư trong nước tạo ra hoạt động sôi động trên thị trường hàng hóa dịch vụ, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng thực của người dân và doanh nghiệp.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng cần có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa. Đồng thời, có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp.
Nhật Linh