Gặp rắc rối với người lao động về tiền lương và bảo hiểm, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Sao Thăng Long gặp không ít khó khăn trong việc xử lý về vấn đề pháp lý. Không có đủ nguồn lực tài chính để lập đội ngũ cán bộ pháp chế, cũng không có nhiều kinh phí để thuê luật sư tư vấn bên ngoài, DN này chỉ biết “hỏi han” và “nhờ cậy” những người quen có am hiểu về pháp luật để tư vấn.
DN bỏ lơ công cụ pháp lý
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty: “Do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại không có đội ngũ tư vấn riêng nên khi xảy ra các vấn đề pháp lý về nhân sự, hay khi làm các thủ tục hải quan, thuế… những hạn chế và thiếu hiểu biết về pháp luật khiến DN không ít lần bị thiệt hại lớn. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để DN có thể có thêm những đơn vị tư vấn pháp luật cho DN, chứ trong nhiều trường hợp, khi hỏi hoặc gọi đến các đường dây tư vấn của Nhà nước, hay cán bộ hỗ trợ, chúng tôi rất khó tiếp cận”.
Hiểu biết hạn chế về pháp luật liên quan đến quá trình kinh doanh, thiếu sự đầu tư và chú trọng đến công tác pháp lý trong DN đang là một thực tế phổ biến hiện nay ở hầu hết các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu pháp lý của DN hiện nay rất lớn, khi các quy định về thuế, hải quan, thương mại, tranh chấp thương mại… luôn đặt ra với DN trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, với tâm lý “co cụm”, tức là “thấy khó khăn, phức tạp quá thì không làm”, phần lớn các DN giữ thế “phòng thủ” và chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt, ít quan tâm đến các vấn đề lâu dài, đặc biệt là các công cụ bảo vệ mình như pháp luật…
Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi DN Việt Nam đang đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại, DN bước ra sân chơi thế giới và cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn, chiến lược “ăn chắc mặc bền” hay “phòng thủ” đã không còn phù hợp.
Song một thực tế đáng lo ngại được bà Nguyễn Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Văn bản pháp quy của Sở Tư pháp Hà Nội, chỉ ra là càng trong bối cảnh khó khăn, khi kinh tế và DN chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, DN lại càng không quan tâm đến việc bảo vệ mình bằng các công cụ pháp lý và phòng chống rủi ro, mà chủ yếu là tập trung vào các chiến lược để DN phát triển ổn định, vượt qua khủng hoảng.
Thực tế này đặt ra nhiều thách thức, khi mà DN có thể trở nên dễ bị tổn thương, phải trả giá đắt trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn và có nguy cơ bị “loại” khỏi thị trường bất cứ lúc nào khi gặp các tranh chấp phát sinh.
![]() |
Hiểu biết hạn chế về kiến thức pháp luật, thiếu các công cụ pháp lý để phòng thủ trước những rủi ro của thị trường đang khiến cho không ít DN dễ bị tổn thương
Khó hỗ trợ vì… cơ chế
Cũng theo ông Lê Anh Văn, Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các dòng thuế được cắt giảm về 0% ngay khi các hiệp định thương mại mới ký kết có hiệu lực, đây sẽ là bài toán vô cùng nan giải cho phần lớn các DN nhỏ và vừa.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các nguồn lực, năng lực hiểu biết chính sách, pháp luật, nắm rõ các quy định trong các hiệp định thương mại, các dòng thuế, tiêu chuẩn sản phẩm… thì DN sẽ không thể định hướng được chiến lược kinh doanh, sản phẩm và thị trường.
Trong khi đó, kiến thức và sự hiểu biết của DN về hội nhập còn rất “lờ mờ”, việc sử dụng các rào cản kỹ thuật cũng ngày càng hạn chế, ông Văn cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có năng lực pháp lý.
Nghị định 66 về hỗ trợ pháp lý cho DN và Quyết định 585 phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN do Thủ tướng Chính phủ ban hành có ý nghĩa lớn để nâng cao năng lực pháp lý cho DN, đặc biệt với cộng đồng DN nhỏ và vừa.
Hiện có 7 địa phương được chọn thí điểm thực hiện và triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN, song theo đánh giá của các cán bộ tư pháp và chuyên gia vẫn đang còn rất nhiều rào cản khiến cho chính sách này chưa thực sự hỗ trợ, giúp DN nâng cao năng lực pháp lý.
Một trong những bất cập hiện hành theo đánh giá của bà Tâm, đó là những quy định hiện hành đang bộc lộ không ít bất cập khiến cho việc thực thi chính sách gặp không ít rào cản.
Đơn cử như quy định đối tượng hỗ trợ hiện nay là khá rộng và dàn trải, bao gồm tất cả các DN, nên chưa phát huy được tính hiệu quả cao. Trong khi đó, những DN nhỏ và vừa, với năng lực và hệ thống quản trị yếu, là đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất từ chính sách, nên cơ chế quy định cần tập trung hơn nhóm đối tượng nhất định.
Hoặc liên quan đến giải đáp pháp lý, DN thường đưa ra những phản ánh và các vấn đề rất cụ thể, liên quan đến hoạt động kinh doanh, song Nghị định 66 lại quy định và giới hạn trong những nội dung chung chung, nên đã “trói buộc” các cơ quan khi triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Ngoài ra, những quy định về chi phí hỗ trợ cho các chuyên gia hiện nay rất thấp, không đủ đáp ứng được yêu cầu về tư vấn và hỗ trợ nên khó thu hút được các chuyên gia giỏi tham gia.
Cẩm An
|