Xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài. Chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8%.
VEPR cho rằng, lạm phát Việt Nam năm 2022 được dự báo ở mức 3,5-3,8% và còn dư địa cho điều chỉnh chính sách kích thích phục hồi kinh tế. |
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, trong 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh.
Theo ông, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch Covid-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
Nhìn về Việt Nam, tăng trưởng kinh tế 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực.
Các chuyên gia của VEPR nhận định, bên cạnh duy trì sự ổn định và giảm áp lực lạm phát, nhiều phân tích cho thấy dư địa cho điều chỉnh chính sách vẫn còn, nên vẫn có thể mạnh dạn hơn trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, hoặc việc triển khai gói đầu tư công, đó là những nền tảng phục hồi và ổn định trong những năm tiếp theo.
“Cần đồng thời tháo gỡ những rào cản, khó khăn vướng mắc của môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp để họ tăng cường hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các thế mạnh từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia”, TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết.
Trong báo cáo nghiên cứu về lạm phát của VERP, cơ quan này nhấn mạnh mặc dù tình hình kiểm soát lạm phát đã tương đối tốt trong 8 tháng đầu năm, nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn. Do vậy, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn đinh kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Đ.A