Đến nay, VBS đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp (DN) trong năm của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp. |
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, dịch COVID-19 làm hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, giao thương đầu tư bị gián đoạn... Có thể nói thế giới đang rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Trong bối cảnh này, hoạt động số hóa, chuyển đổi số là xu thế thời đại, cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ số được ứng dụng trong các lĩnh vực ngành kinh tế, từ công nghiệp tới dịch vụ, sản xuất tới lưu thông hàng hóa.... Quốc gia nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên.
Về định hướng phát triển của Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Đến nay, Việt Nam là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới suy giảm. Dự kiến, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 2-3% vào năm 2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2020, Việt Nam có thể vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Phát triển kinh tế Việt Nam cũng đạt được một số kết quả tích cực như xuất khẩu tăng trưởng tốt, xuất siêu tháng 10/2020 đạt kỷ lục gần 19 tỷ USD, mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, cộng đồng DN lớn mạnh không ngừng.
"Việt Nam luôn được đánh giá là đất nước có tiềm năng phát triển với thị trường trong nước gần 100 triệu dân, là cứ điểm sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia...", Phó Thủ tướng nhìn nhận.
VBS đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp trong năm của Việt Nam. |
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hành động quyết liệt, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt Cách mạng công nghiệp 4.0... Để đưa đất nước vươn lên, phát triển bao trùm, bền vững, thực hiện khát vọng thịnh vượng.
"Xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ người dân, DN thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ cũng nỗ lực đưa đóng góp kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025 giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vừa qua, trong số 30 DN Nhật Bản xin hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch đầu tư thì có tới 15 DN đã chọn Việt Nam.
Tổng giám đốc tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết Trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á đang được tập đoàn này xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động vào 2022.
Hay tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do VCCI chủ trì tổ chức với sự tham gia của trên 2.200 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các DN Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá tới trên 11 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
"Điều này cho thấy những cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn", Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Lê Thúy