Báo cáo tài chính quý IV/2017 mới công bố của công ty CP Nước giải khát Chương Dương cho thấy một kết quả hẩm hiu, lỗ ròng 2,2 tỷ đồng. Trong khi nhiều năm liền trước đó, DN này vẫn lãi đều đều giữa một thị trường đồ uống đầy tiềm năng như ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy?
Vì cũ nên khó cạnh tranh
Doanh thu thuần của Nước giải khát Chương Dương trong quý IV/2017 đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài yếu tố cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự tấn công, thâu tóm thị phần từ các hãng giải khát ngoại, hệ thống phân phối hạn chế, yếu tố công nghệ cũ đã được chỉ ra cho nguyên nhân thua lỗ của DN này.
Đó là hiện tại, Nước giải khát Chương Dương vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000, nên chưa thể sản xuất các dòng sản phẩm mới đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do còn sử dụng máy móc cũ nên cần nhiều nhân công, giá thành sản phẩm tăng, vì thế rất khó cạnh tranh.
Trong khi ngành nước giải khát lại là ngành có tính cạnh tranh rất cao. Những DN tham gia vào ngành này đòi hỏi phải có xu hướng thực hiện đổi mới phát triển cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vì vậy, kết quả thua lỗ của Nước giải khát Chương Dương như là một hệ quả tất yếu.
Ngay cả công nghệ về mẫu mã, quảng bá, nghiên cứu sản phẩm mới ở Nước giải khát Chương Dương cũng đang bị nhiều ý kiến chê bai. Họ cho rằng DN này chi tiền quảng cáo hay nghiên cứu sản phẩm mới còn quá khiêm tốn.
Theo Bộ KH&CN, vòng đời của một công nghệ khoảng 10 năm, sau đó sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời thay thế, nhằm tăng năng suất và hiệu quả cho hoạt động sản xuất của DN. Như vậy, rõ ràng vòng đời máy móc ở Nước giải khát Chương Dương nếu có từ năm 2000 thì đáng lẽ từ năm 2010 đã phải đầu tư cho công nghệ mới.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, nhiều người tiêu dùng ở Tp.HCM cho biết là trước đây đã từng uống nước sá xị Chương Dương, nhưng hiện nay hầu như không, vì phải “đỏ mắt” để tìm kênh phân phối của thương hiệu nội này.
Ngay như ở những cửa hàng thức ăn nhanh hay rạp chiếu phim cũng hầu như không có nước sá xị Chương Dương. Trong khi mẫu mã và sản phẩm thương hiệu này lại quá nhàm, không thể so bì được với Coca, Pepsi hay các dòng nước giải khát của Tân Hiệp Phát.
Đây cũng là thực trạng chung ở một số DN nội từng nổi tiếng một thời nhưng đang trên đà lao dốc khi chậm đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị mới để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, tồn tại hoặc chiến thắng trong cạnh tranh ngay trên sân nhà.
![]() |
Càng chậm đầu tư công nghệ mới, DN nội càng dễ thua thiệt
Càng chậm càng thiệt
Hoặc như trong ngành giấy Việt Nam hiện nay, về quy mô thì 41% thuộc về công nghệ mới, hiện đại với công suất 500.000 tấn/năm mà đa phần đến từ khả năng đầu tư của các DN ngoại như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan…
Còn gần 60% (của đa phần các DN nội địa), trong đó có khoảng 24% có công suất, công nghệ thuộc dạng thường (200.000 – 300.000 tấn/năm). Các DN nội thuộc nhóm này tuy vẫn có thể trụ được nhưng chỉ sản xuất những sản phẩm giấy thuộc phân khúc thấp. Riêng khoảng 12% DN khó có thể tồn tại được do quy mô quá nhỏ (dưới 10.000 tấn/năm).
Một thống kê cho thấy ở Việt Nam, mức độ sử dụng các thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến hơn 50% tổng số thiết bị, thiết bị hiện đại chỉ khoảng 10%. Các DN sản xuất nhỏ, lẻ có mức độ sử dụng thiết bị lạc hậu lên đến hơn 70%.
Điều đáng nói, lẽ ra khi quy mô của thị trường là một tác nhân kích thích để tạo ra các ý tưởng mới, đầu tư công nghệ mới trong sản xuất. Còn với nhiều DN nội, họ chủ yếu vẫn dựa trên các quy trình sản xuất thâm dụng lao động chứ không phải là thâm dụng vốn, sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM, những áp lực về cạnh tranh trên thị trường là rất cao, điều này buộc DN Việt phải đổi mới sáng tạo, đầu tư vào công nghệ mới thì mới có thể vượt lên, có chỗ đứng trong các thế trận mới.
Theo ông Dũng, điều này đòi hỏi các DN Việt chú trọng đầu tư phát triển về chất chứ không nên mở rộng tràn lan quá nhiều ngành nghề, vì không thể đủ nguồn lực. Trọng tâm đầu tư mà DN nên chú trọng là máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới, tư duy mới và hàm lượng chất xám cao với thái độ kiên quyết trong chuỗi đầu tư của mình.
Được biết, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2018 được cho là có nhiều chính sách khuyến khích DN tiếp cận công nghệ mới, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu nhập vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong vấn đề đầu tư máy móc, thiết bị mới, nguồn vốn vẫn là thách thức lớn cho các DN Việt. Đặc biệt khi tình trạng chung của nhiều DN hiện nay là nguồn vốn tự có rất hạn hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Nhưng nên nhớ, trước áp lực cạnh tranh, nếu DN nội càng chậm đổi mới thì càng thua thiệt!
Thế Vinh