Những ngày gần đây, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội đột ngột treo biển hết xăng Ron 95 khiến người tiêu dùng hoang mang, phải vất vả đi nhiều cây xăng để mua loại xăng này.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN), do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nên DN đầu mối buộc nhập khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng gặp bất ổn do một số nhà máy lọc dầu Hàn Quốc đang trong giai đoạn bảo dưỡng, dẫn tới nguồn cung khan hiếm.
Nguồn cung khan hiếm?
Cùng với đó, DN phàn nàn chiết khấu của xăng Ron 95 thấp nên không muốn nhập. Cụ thể, mức chiết khấu giảm mạnh, chỉ còn vài trăm đồng mỗi lít xăng, khiến các hệ thống kinh doanh không hiệu quả nên không mặn mà nhập hàng để kinh doanh. Với mức chiết khấu mỗi lít xăng còn 400-500 đồng, tổng đại lý, đại lý lỗ vì không đủ bù chi phí.
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, ngày 27/3, Bộ Công Thương vẫn cho biết, theo báo cáo của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và một số Sở Công Thương, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn đang được các DN đầu mối cung cấp đầy đủ, đồng thời các DN cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung liên tục, không bị gián đoạn cho hệ thống bán lẻ xăng dầu của mình.
Trong trường hợp nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, các DN sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các DN kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
"Như vậy, có thể khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân", Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định.
Trước thông tin một số cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng Ron 95, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng: "Tại sao cửa hàng có thể đột ngột bảo hết hàng? Vậy, hàng dự trữ ở đâu? Đến lúa gạo, thực phẩm cũng phải có nguồn hàng dự trữ, huống hồ đây là mặt hàng xăng – được xem là huyết mạch của đất nước?".
Theo ông Phú, xăng thiếu là do DN không dự trữ hàng, lưu thông mà không có dự trữ coi như không lưu thông, nhất là khi Việt Nam có hai nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt khoảng 17,6 triệu m3 đã đáp ứng đủ nhu cầu của toàn thị trường nội địa.
Quy định tại Nghị định 83/2016 về kinh doanh xăng dầu cũng yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện và quy định trên thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, liên quan tới phản ảnh mức chiết khấu, ông Phú cho rằng Bộ Công Thương cần phải kiểm tra xác minh thông tin này, xử lý nghiêm, không thể vì chiết khấu thấp mà không bán hàng.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay vẫn đang bị đánh giá là độc quyền, theo PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thông tin thiếu hụt một loại xăng nào đó không tránh khỏi việc người tiêu dùng có những suy nghĩ tiêu cực như DN xăng dầu đang muốn ép người dùng sử dụng xăng E5.
Ông Thịnh cho rằng việc thiếu hụt xăng Ron 95 có lẽ chỉ là tình trạng mang tính cục bộ ở một số địa phương, một số cửa hàng, trong thời gian ngắn cũng như xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, đây cũng là "hồi chuông" cảnh tỉnh cho các DN kinh doanh xăng dầu phải tự hoàn thiện mình hơn.
Thực tế mà nói, trước sau ngành kinh doanh xăng dầu cũng phải kinh doanh dựa trên quy luật thị trường. Nếu cửa hàng không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng chắc chắn sẽ mất khách, nhất là trong bối cảnh một số cây xăng của nhà đầu tư Nhật Bản đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Không đáp ứng được yêu cầu thị trường, DN chỉ có cách đóng cửa.
Một số cây xăng treo biển tạm hết xăng Ron 95 |
Vận hành theo thị trường
Về lâu dài, đánh giá về thị trường xăng dầu, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho rằng nên bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu và Quỹ bình ổn giá. Đã tới lúc giá xăng dầu phải điều hành theo cơ chế thị trường, có lên có xuống mỗi ngày. Bên cạnh đó, ngành xăng dầu không nên "bỏ trứng vào một giỏ", phụ thuộc một số nguồn nhập khẩu như vậy nguồn cung rất rủi ro.
Cùng với đó, một trong những phản ánh của DN xăng dầu là vừa qua việc xả Quỹ bình ổn giá của nhà điều hành còn nhiều bất cập. Cụ thể, từ đầu năm, giá xăng dầu bán lẻ trong nước trải qua 6 kỳ điều chỉnh, trong đó giá xăng tăng 1 lần, giảm 1 lần và 4 lần giữ nguyên bằng cách xả mạnh Quỹ bình ổn.
Tại kỳ điều hành xăng dầu mới nhất (ngày 18/3), Liên bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục dùng công cụ Quỹ bình ổn để kiềm giữ giá bán lẻ trong nước, bằng cách xả Quỹ ở mức kỷ lục 2.801 đồng/lít với xăng E5 Ron 92, 2.061 đồng/lít với Ron 95, 1.343 đồng/lít với dầu diesel, 1.640 đồng/lít với dầu hỏa.
Trong khi đó, về nguyên tắc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lấy từ nguồn trích lập 300 đồng mỗi lít xăng khi người dân mua hàng và được để tại DN. Quỹ âm buộc DN phải xoay xở, vay ngân hàng để bù đó, cũng là lý do khiến DN hạn chế nhập hàng.
Ts. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, cho rằng Quỹ bình ổn có hiệu quả nhất định trong một vài thời điểm, song xét cả quá trình, cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải chịu mức tăng – giảm giá theo thị trường thế giới, chỉ là trước hay sau.
Chưa kể, nếu dồn nén giá có thể khiến giá xăng phải tăng sốc trong một thời điểm nào đó, để rồi tác động xấu đến giá cả nhiều mặt hàng khác cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo ông Độ, mô hình điều hành giá lý tưởng nhất mà cơ quan quản lý nên hướng tới là thả nổi giá xăng dầu theo đúng diễn biến thị trường thế giới cũng như khả năng sản xuất trong nước.
Để làm được điều này cần chuẩn bị hai điều kiện: phá bỏ thế độc quyền của một DN lớn như hiện nay; chuẩn bị tốt tâm lý cho người tiêu dùng làm quen với việc giá xăng dầu lên xuống hàng ngày, hàng tuần.
Ts. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: "Chúng ta cứ nói người tiêu dùng được lợi nhất, nhưng người được lợi nhất lại là các công ty xăng dầu. Thẳng thắn mà nói Quỹ bình ổn là cái mà Nhà nước vẫn đang "o bế" giúp các DN kinh doanh xăng dầu. Thời gian qua, khi giá xăng dầu trên thị trường tăng, Nhà nước xả quỹ này ra. Việc xả quỹ đã giúp các DN bù lỗ một cách thoả đáng để có lợi nhuận trong quá trình kinh doanh. Kinh doanh có lãi, Nhà nước trích quỹ bình ổn là đương nhiên".
Lê Thúy
Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Về mặt nguyên tắc theo kinh tế thị trường, mặt hàng xăng dầu cần phải được vận hành, điều tiết bởi cơ chế thị trường. Lúc đó, chúng ta sẽ không cần sử dụng tới Quỹ bình ổn, đồng thời buộc các DN phải tính toán nhiều hơn, lời ăn lỗ chịu, không có chuyện Nhà nước bù giá như hiện nay. Điều này đòi hỏi DN phải có tư duy kinh doanh tốt, tính toán trước rủi ro, kinh doanh phục vụ lợi ích và nhu cầu của người dùng. Ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc PVOil Hiện nay, trong nước đang có 2 nhà máy cung cấp xăng dầu là Nghi Sơn và Dung Quất. Tuy nhiên, nhà máy Nghi Sơn vừa qua trục trặc nên nguồn cung gián đoạn, DN phải nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc sắp tới sẽ dừng để bảo hành cho nên không có nhiều hàng để bán. DN mong Nhà nước thời gian tới sẽ điều hành giá xăng theo thị trường, có tăng có giảm, chứ thế này DN không chịu nổi. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Các DN xăng dầu cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đủ hàng để đáp ứng yêu cầu thị trường. Bộ đã chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, không để cây xăng găm hàng, bán hàng kém chất lượng. Vừa rồi, Lọc dầu Nghi Sơn có xảy ra sự cố tạm thời trong vài ngày nhưng đến nay đã cung cấp đủ dầu và ngày 28/3 sẽ cung cấp đủ xăng dầu. |