Theo ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nếu phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện, đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng nhưng đổi lại sẽ có 3 cơ chế khuyến khích như được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
Đề xuất mua điện 0 đồng với thời gian nhất định
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc cho hòa vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng, nếu cho phép mua bán điện dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt, dẫn đến mất cân đối cơ cấu các nguồn điện gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia và mất an toàn ổn định hệ thống điện.
Bộ Công Thương giữ quan điểm EVN được mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu với giá 0 đồng. |
Chưa kể, “cho mua bán điện sẽ vô tình cổ suý cho việc trục lợi chính sách khi các đối tượng này không phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến điện lực và sẽ nảy sinh vấn đề mới trong quản lý về xây dựng, kiến trúc, về môi trường, an toàn phòng cháy nổ”, Bộ trưởng Diên lo ngại.
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận xét chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trong nước lên mức 28,5% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Nhưng nguồn điện này lại không ổn định, dễ gây nhiễu cho phụ tải trung áp, gây mất cân bằng cung cầu. Và nếu hòa hết vào lưới điện quốc gia thì sẽ đồng thời phải phát triển các nguồn điện khác để đảm bảo tính ổn định.
“Trong 5 năm tới, tôi ủng hộ chủ trương không có việc mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái” - PGS Nguyễn Việt Dũng nêu ý kiến.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng đồng tình với việc ghi nhận sản lượng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khi hòa vào lưới điện quốc gia theo giá 0 đồng nhưng chỉ nên trong thời gian nhất định, chẳng hạn từ nay đến 2027.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nêu ý kiến rằng “Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý”.
Ngoài phương án bán cho EVN, nhiều ý kiến cũng đề xuất nên cho điện mặt trời mái nhà mua bán giữa các tổ chức, cá nhân là “hàng xóm” của nhau. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, trong cùng một tòa nhà có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng điện, một trong số đó đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và muốn bán lại cho các tổ chức, cá nhân khác trong cùng tòa nhà đó. Tức lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ được truyền tải giữa các cá nhân, tổ chức trong tòa nhà đó mà không được truyền tải qua đường dây của công ty điện lực.
Tại sao không bán điện cho “hàng xóm”?
VCCI thông tin, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một toà nhà như vậy sẽ có thêm nguồn lực để phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một toà nhà như vậy sẽ có thêm nguồn lực để phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định, chia sẻ rất nhiều nhà máy có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên từ sau khi ngành điện thông báo dừng thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời, làm cho doanh nghiệp “mất phương hướng” trong đầu tư.
Chưa kể, chi phí phải bỏ ra cho 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng, trong khi nguồn điện mặt trời ở miền Bắc hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp lo ngại rủi ro trong việc thu hồi vốn khi chưa có cơ chế cụ thể từ Chính phủ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho hay khảo sát Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng) và TEPCO (DN Nhật Bản), hoạt động kinh doanh chính là bán điện trong khu công nghiệp. Hiện tại, khu công nghiệp đang triển khai 3 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 3MW. Tính đến năm 2023, các dự án này tạo ra 5.800 MWh giờ điện. Với sản lượng điện này đã làm giảm khoảng được 10 tỷ VND (giảm 1%). Tính riêng điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được 6,3 tỷ VND.
Bên cạnh đó, ông Việt cho biết thêm, nếu các khu công nghiệp mua trực tiếp từ các nhà đầu tư điện mặt trời hoặc tự đầu tư điện mặt trời tái tạo sẽ giảm 15% so với mua trực tiếp giá bán lẻ của EVN.
Có thể thấy, các khu công nghiệp tại Hải Phòng nói riêng và khu công nghiệp tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển điện mặt trời mái nhà trên các mái nhà xưởng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng muốn dùng điện từ nguồn năng lượng tái tạo vì muốn đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Việt chỉ ra, một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp lưỡng lự do vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy điện mặt trời mái nhà nói chung. Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư…, cơ chế chính sách trong việc hướng dẫn trình tự thủ tục chưa rõ, chỉ đưa ra quy định chung chung...
Cũng theo ông Việt, đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là "không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường".
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân Thứ trưởng Bộ Công Thương Việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu tại chỗ, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện và không phục vụ mục đích kinh doanh, mua bán điện. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Ông Ngô Đức Lâm Chuyên gia năng lượng Luật Điện lực sửa đổi cũng đã đề cập đến thị trường điện lực theo cơ chế thị trường, nhưng mua bán điện phải có hợp đồng mua bán. Ngay cả điện mặt trời mái nhà do hộ gia đình lắp, muốn bán cho hàng xóm, hoặc tặng cho, không phát lên lưới, cũng cần có quy định về an toàn điện. Nên biện pháp quan trọng nhất là nhà nước hay EVN phải ban hành mẫu cho hộ lắp điện tự dùng và chia sẻ với hàng xóm thế nào trong cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Trong đó, phải có quy định về thiết bị, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy… do các bộ chuyên môn quy định, Bộ Công thương làm chủ trì. Quy định này đơn giản và làm ngay thì mới có cơ sở để mua bán được. Ông Lã Hồng Kỳ Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng Do đặc điểm ở Miền Bắc khí hậu chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng có sự chênh lệch khá lớn nên rất khó khăn cho việc tính toán công suất điện mặt trời mái nhà nối lưới tự dùng. Vì vậy, cần hỗ trợ tính toán phần công suất lắp đặt tối thiểu cho các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt (mức độ dùng điện, thời điểm dùng điện, điều kiện mặt bằng…) để phê duyệt phương án, hạn chế tối đa mức độ lãng phí do không được bán phần điện dư lên lưới. Khi có lượng dư thừa cần có cơ chế để EVN mua lại một phần lượng điện dư thừa. |
Nhật Linh