104,74 tỷ đồng là số tiền "khủng" mà công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (chủ sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim) bị Cục Thuế Tp.HCM quyết định truy thu thuế TNCN.
Ngoài ra, nhà bán lẻ này (với gần một nửa số cổ phần thuộc về tập đoàn của Thái Lan – Central Group thông qua thương vụ cách đây 2 năm) còn bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,41 tỷ đồng và phạt chậm nộp thuế TNCN hơn 24,18 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lách thuế
Công ty Nguyễn Kim đang có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, nếu hai cơ quan này có ý kiến khác thì Cục Thuế Tp.HCM sẽ xem xét, nhưng những thông tin từ cơ quan kiểm tra thuế cho thấy những vấn đề cần mổ xẻ về việc né tránh thuế TNCN của DN này.
Đáng chú ý là trường hợp bảng lương của những cán bộ nhân viên Nguyễn Kim thể hiện mức thu nhập hàng tháng của các vị trí lãnh đạo rất cao, nhưng công ty chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế TNCN cho người lao động, số tiền đưa vào tiền tăng ca để lách thuế TNCN.
Có nhiều thông tin cần làm rõ về việc công ty này có dấu hiệu "lách" thuế TNCN từ nhiều năm nay (trước cả khi Central Group mua cổ phần) bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ…
Từ đây cần đặt ra câu hỏi là có DN nào có hành vi "lách" thuế TNCN tương tự như vậy mà chưa bị phát hiện? Phải chăng cách quản lý không hiệu quả khiến cho DN có xu hướng trốn thuế, lách thuế, nhất là thuế TNCN?
Và những đề xuất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế liệu có nhắm đến việc "vá lỗ hổng" né thuế TNCN trong DN?
Trong câu chuyện này, trước hết cần hiểu rằng các DN và cá nhân nên nhận thức được vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đóng thuế TNCN. Đây là nguồn ngân sách không nhỏ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế, trong Luật DN cũng nêu rõ là DN sẽ chịu trách nhiệm thu thuế TNCN từ các nhân viên của mình.
Một cán bộ thuế cho biết, việc thu thuế TNCN khó khăn hơn so với các loại thuế của các DN. Hơn thế, rất ít trường hợp liên quan trốn thuế TNCN trong DN bị xử lý hình sự.
Tuy vậy, có một thực tế xảy ra ở nhiều DN là các cá nhân trong DN thường viện cớ về hóa đơn, chứng từ, thanh toán… để phản đối căn cứ tính thuế trên thu nhập.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, hiện nay, với sự phát triển công nghệ và pháp luật chặt chẽ, đồng bộ của hóa đơn, ngân hàng thì cần hạn chế tối đa tình trạng "lách" thuế và việc tính thuế TNCN theo quy chuẩn chung của thế giới là hoàn toàn có thể thực hiện.
Chuỗi siêu thị Nguyễn Kim đang bị ngành thuế truy thu, phạt hơn 148 tỷ đồng |
Công bằng và tự nguyện
Được biết, trong hệ thống thuế của Việt Nam, thuế trực tiếp bao gồm thuế DN, thuế TNCN và thuế tài nguyên. Mức thuế TNCN của Việt Nam hiện nay rất lớn, hơn rất nhiều mức trung bình của thế giới cũng như châu Á.
Không chỉ có mức thuế suất cao, thuế TNCN của Việt Nam còn có thu nhập chịu thuế suất cao nhất ở mức thấp, chỉ xấp xỉ 43 USD so với hầu hết các nước ASEAN. Tương tự, mức phí an sinh xã hội mà DN và người lao động phải gánh chịu cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực châu Á và trên thế giới.
Vì vậy, giới chuyên gia khuyến nghị nên cân nhắc giảm mức thuế cao nhất từ 35% xuống 30% và nâng mức thu nhập phải chịu thuế cao nhất từ 80 triệu đồng/tháng hiện nay lên khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế – Hiệp hội DN Tp.HCM, thuế TNCN là một sắc thuế ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội. Do đó, nguyên tắc công bằng cần phải được coi trọng và triệt để thực hiện, nhất là cần đảm bảo công bằng về thuế thu nhập giữa thuế TNCN và thuế thu nhập DN, giữa thuế TNCN tiền lương, tiền công và thuế TNCN các ngành nghề khác.
Luật sư Nghĩa cho biết, hiện nay, thuế thu nhập DN chịu thuế suất 20%, sẽ giảm xuống 15 – 17% và được khấu trừ tất cả các chi phí hợp lệ liên quan, trong khi thuế TNCN chịu thuế suất cao nhất 35% và không được khấu trừ chi phí. Do đó, cần cân bằng thuế suất giữa hai sắc thuế này.
Nguyên tắc công bằng yêu cầu tất các đối tượng nộp thuế TNCN có thu nhập như nhau thì có nghĩa vụ thuế tương đương. Hiện nay, thu nhập chịu thuế gồm: thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng và các thu nhập khác.
Nhìn từ vấn đề né thuế TNCN ở Nguyễn Kim và liên hệ đến tình hình thực tế trong việc nộp thuế TNCN ở các DN hiện nay, giới chuyên gia lưu ý pháp luật thuế cũng cần rõ ràng, dễ thực hiện, nhất quán để việc chấp hành thuế trở nên tự nguyện.
Đồng thời, Luật thuế TNCN phải góp phần gia tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước với yêu cầu có thu nhập là có thuế. Ngoài ra, Luật còn góp phần giảm thiểu tình trạng trốn lậu thuế bằng việc khuyến khích nhu cầu lấy hóa đơn để khấu trừ của người nộp thuế.
Thế Vinh