Công ty chuyển phát nhanh UPS (Mỹ) và Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện vừa chính thức ra mắt liên doanh UPS Việt Nam. Ông Derek Woodward, Chủ tịch UPS khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định với việc thành lập liên doanh mới và mối quan hệ mật thiết với đối tác dịch vụ địa phương, UPS sẽ linh động hơn trong việc phát triển hoạt động vận chuyển và dịch vụ hậu cần (logistics) ở Việt Nam.
Ông Derek Woodward
Chủ tịch UPS khu vực châu Á -
Thái Bình Dương
UPS đã hợp tác với Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện như một đại lý ở Việt Nam từ năm 1994. Có phải việc chuyển đổi mô hình hợp tác sẽ giúp UPS gia tăng lợi ích tại Việt Nam?
Chúng tôi và đối tác Việt Nam đã cùng hợp tác trong gần 16 năm qua, có chung định hướng và triết lý phát triển. Đó chính là tiền đề để chúng tôi tiếp tục gắn bó lâu dài.
Thông qua việc thành lập Công ty UPS Việt Nam, trong đó UPS chiếm 51% cổ phần, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều vào các chi nhánh mới tại những thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp trên toàn quốc để mở rộng mạng lưới hoạt động và tăng cường khả năng vận hành ở khu vực châu Á, kết nối với mạng lưới UPS toàn cầu. Công ty UPS Việt Nam sẽ trở thành một điểm kết nối hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Đó không chỉ là dịch vụ chuyển phát nhanh thư tín và hàng hóa mà còn là hoạt động vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng UPS bao gồm vận chuyển hàng hóa, tư vấn thủ tục hải quan, hợp đồng logistics, phân phối và kho vận.
Các đại gia trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, ví dụ như DHL, đã thành lập công ty con tại Việt Nam cách đây vài năm. Như vậy có phải UPS đã chậm chân hơn các đối thủ cạnh tranh của mình trong việc chiếm lĩnh thị trường?
Phải nói rằng thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam đang phát triển rất mạnh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng xuất, nhập khẩu quốc gia.Tháng 12/2008, chúng tôi đã đầu tư xây dựng một trung tâm của UPS tại Thượng Hải (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Tháng 8/2010, chúng tôi sẽ mở một trung tâm tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). Như vậy, đây là thời điểm thích hợp để UPS thiết lập một trung tâm chuyển phát nhanh tại Việt Nam.
Với việc thành lập Công ty UPS Việt Nam, khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam sẽ có được những dịch vụ tốt nhất thông qua việc cắt giảm thời gian giao vận của gói hàng, tăng mạng lưới kết nối giữa các tỉnh thành. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư vào các thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm nâng cấp các dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông có đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu cụ thể cho Công ty UPS Việt Nam?
Hiện tại, khi kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục nhanh chóng thì đây chính là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của UPS trên phạm vi toàn cầu trong tương lai, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi không muốn bàn tới những con số mà muốn nhấn mạnh vào những đóng góp về đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam.
Theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam, từ ngày 1/1/2012, các công ty nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Điều này có phải là một lợi thế cho các công ty liên doanh trong lĩnh vực chuyển phát nhanh tại Việt Nam, bao gồm cả UPS Việt Nam, thưa ông?
Theo quan điểm của chúng tôi, tại thời điểm này, liên doanh là hình thức tốt nhất để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ thiết lập những mô hình khác nhau giống như UPS tại Thượng Hải hay Thẩm Quyến. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động còn phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thực tế cũng như thời điểm thích hợp.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn vào liên doanh sao cho phù hợp với mục tiêu hoạt động của công ty trong từng giai đoạn cụ thể.
Công ty UPS Thành lập ngày 28/8/1907 tại Seattle Wash, Mỹ. Doanh thu năm 2009: 45,3 tỷ USD (doanh thu gói hàng là 37,9 tỷ USD; cung ứng và vận chuyển hàng hóa: 7,4 tỷ USD). Nhân viên: 408.000 người (340.000 tại Mỹ). Khách hàng: 7,9 triệu lượt/ngày (1,8 triệu lượt nhận hàng, 6,1 triệu lượt phát hàng). UPS giải quyết lưu lượng hàng hóa, ngân quỹ và thông tin đến hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu. |
Hoàng Mai thực hiện