Cập nhật tình hình ùn ứ nông sản ở biên giới Lạng Sơn, ngày 31/5, ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, số lượng xe chờ thông quan đang giảm xuống so với thời điểm ngày 23/5.
Mất vài giá vì xe sầu riêng ùn ứ ở cửa khẩu
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp theo dõi tình hình thông quan hàng hóa tại biên giới, đồng thời cơ quan này cũng tăng cường phối hợp với các địa phương biên giới, Hải quan Trung Quốc để triển khai quyết liệt, sẵn sàng phối hợp phân luồng hàng hóa.
Sầu riêng đang bước vào chính vụ thu hoạch, song lại lo lắng ùn ứ ở cửa khẩu khi xuất sang thị trường Trung Quốc. |
Cùng với đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu vải, sầu riêng có thể chuyển hướng xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng thay vì chỉ tập trung vào cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi thư tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc bày tỏ mong muốn cơ quan này chỉ đạo doanh nghiệp Trung Quốc cùng phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam để phân luồng cửa khẩu xuất nhập khẩu.
Việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu dù chưa ở tình huống nguy cấp là xe hàng phải quay đầu trở về, song đã và đang tác động rất lớn tới giá trị trái cây Việt Nam. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) chia sẻ với VnBusiness rằng, thông thường một xe container chạy từ Nam ra biên giới mất 48 tiếng với chi phí khoảng 100 triệu đồng thì nay bị tắc nghẽn mất vài ngày, cước phí tăng lên 120 triệu đồng.
Chưa kể, do ùn ứ tại cửa khẩu nên giá sầu riêng mà các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua đã giảm vài nghìn đồng/kg. Trước đó, 1 kg sầu riêng có giá trung bình 82.000 đồng/kg, nay xuống khoảng 78.000 – 79.000 đồng/kg. Chưa kể, việc xe hàng ùn ứ có thể ảnh hưởng tới chất lượng, khiến sầu riêng chín trước khi đem qua thị trường Trung Quốc.
Trước tình thế khó khăn này, ông Lộc cho biết, đang liên hệ với đối tác để chuyển sang phương thức vận chuyển bằng đường biển, tuy nhiên nhược điểm của phương án này là thời gian kéo dài khoảng 10 ngày.
Trong cuộc làm việc với ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Quảng Tây, vấn đề ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản cũng được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh vì nhiều nông sản không thể chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng.
Hiện nay, lưu lượng hàng hóa của cả hai nước trao đổi qua khu vực Quảng Tây rất nhiều nên áp lực thông quan là rất lớn. Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới có 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí. Điều này sẽ đem lại thuận lợi cho cả hai bên.
Thực tế, nỗi lo ùn ứ trái cây đã được cảnh báo từ tháng 4 năm nay. Ở thời điểm đó, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu của địa phương tăng cao, đạt mức trước dịch, với số lượng trung bình 1.000 - 1.100 container/ngày. Tuy nhiên, Lạng Sơn còn 7 cửa khẩu mà phía Trung Quốc chưa cho thông quan, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa ký kết được nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, dẫn tới tỷ lệ kiểm soát gần 100% lô hàng, ảnh hưởng tới hiệu suất xuất khẩu sang thị trường này.
Đàm phán để mở rộng "cửa" xuất khẩu
Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn lo ngại, vào tháng 6 -7 năm nay, cao điểm vụ thu hoạch trái cây tươi, có thể xảy ra hiện tượng ùn ứ, vì vậy rất mong muốn nhận được thông tin từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc về nhu cầu, thị trường, chính sách nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, ông Đại cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm đàm phán để xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc. "Tỉnh Lạng Sơn ngay gần Trung Quốc có quả na nhưng đến nay rất tiếc vẫn chưa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này", ông Đại bày tỏ.
Điều này cho thấy rõ ràng để tránh tình cảnh ùn ứ nông sản tại cửa khẩu cần có sự chuẩn bị từ trước, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa thị trường. Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh việc đàm phán ký Nghị định thư để nhiều loại trái cây của Việt Nam có thể được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Nguyên cho hay, như trái dừa, từ năm 2020 trở đi không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, giá rớt xuống 2.000 – 3.000 đồng/trái, người trồng dừa ở Bến Tre không còn thiết tha với loại cây này. Trong khi đó, Thái Lan vẫn xuất khẩu dừa sang Trung Quốc với giá 40.000 đồng/trái.
Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Nguyên lưu ý cần ngăn chặn tình trạng gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu của sầu riêng Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển các kho bảo quản gần cửa khẩu để đảm bảo chất lượng của trái cây xuất khẩu.
Trước tình trạng số lượng xe chở hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu 8 Bộ trưởng: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Tuy nhiên, về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu (đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không…).
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương biên giới phía Bắc ưu tiên bố trí, huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Lê Thúy