Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 556, thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. 7.000 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu 4 dự án đường sắt và 8.000 tỷ đồng cho 10 dự án đường bộ.
Trước đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 168 ngày 10/5/2018, kiến nghị bố trí 7.000 tỷ đồng vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho 4 dự án quan trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bố trí 8.000 tỷ đồng nữa cho 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.
Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h. |
Đối với 4 dự án đường sắt, khi hoàn thành sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m); giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm; khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần; tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h trên trục đường sắt Bắc – Nam.
Đối với 10 dự án đường bộ, các dự án đều nằm trên tuyến có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; kết nối các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp... bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, không đáp ứng được nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế xã hội; ưu tiên khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các cùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các dự án đang triển khai dở dang hoặc dự án đình hoãn theo Nghị quyết số 11 ngày 24/02/2011 của Chính phủ nhưng không thể chuyển đổi sang hình thức đầu tư BOT.
Công Trí