Báo cáo tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong khi đó, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2016-2020 là có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đảm bảo chất lượng và bền vững.
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới ghi nhận cả nước có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn), tăng 2.010 xã (22,5%) so với cuối năm 2015.
Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 1,37 tiêu chí so với cuối năm 2015; còn 80 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 246 xã so với cuối năm 2015 (dự kiến đến hết năm 2018 còn dưới 60 xã, hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2018).
Ngoài ra, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015 (hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.
Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, vẫn còn tồn tại những hạn chế tác động đến tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao.
Đưa ra giải pháp hoàn thành mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực cho hai chương trình mục tiêu quốc gia; Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch; Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm nghèo bền vững…
Hoàng Hà