Đây là khẳng định của nhóm công tác công nghiệp ô tô, xe máy nêu ra tại Diễn đàn DN Việt Nam diễn ra hôm nay (1/12).
Chưa đạt mong đợi của các nhà đầu tư
Theo Báo cáo một số vấn đề về ngành công nghiệp ô tô của nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô - Xe máy nhờ có nỗ lực từ Chính phủ trong việc giải quyết nhứng kiến nghị của các DN trong ngành, cùng với sự gia tăng trong tăng trưởng kinh tế năm nay, ngành công nghiệp ô tô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9/2015.
![]() |
Trở ngại về thuế là mối quan tâm của ngành công nghiệp ô tô hiện nay
Với đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2015, doanh số toàn ngành ô tô dự đoán đạt trên 210.000 xe trong năm 2015 bao gồm cả xe lắp ráp/ sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam nhưng công suất lắp ráp chưa đạt mong đợi của các nhà đầu tư và Chính phủ khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp hiệu tại là gần 500.000 chiếc/năm.
Đồng thời, tỉ lệ xe ô tô sản xuất nội địa chiếm khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành hiện nay song công suất sử dụng thực tế chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất thiết kế. Điều này cho thấy, “Việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai”, báo cáo nêu rõ.
Do vậy, theo Nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô - Xe máy, để đẩy nhanh sự tăng trưởng của toàn ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó giúp duy trì ngành công nghiệp ô tô bền vững tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc thêm các giải pháp để đẩy nhanh sự tăng trưởng của toàn ngành và nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí lắp ráp/sản xuất xe trong nước.
Thuế, phí quá cao
Nhóm nghiên cứu cho rằng, chính sách nên nhằm mục tiêu công nhận các khoản đầu tư của các công ty sản xuất xe CKD tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao hội nhập ASEAN (AFTA) từ năm 2018. Do những bất lợi của quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam được ước tính sẽ cao hơn 20% so với những chiếc xe được nhập khẩu từ Thái Lan.
Vì vậy, nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô - Xe máy kiến nghị Chính phủ loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được; Áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc; Thẩm định giá kê khai của các xe ô tô nhập khẩu; Kiểm soát chặt chẽ đối với nhập khẩu “xe đã qua sử dụng”. Ngoài ra, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến sản xuất xe CKD được chấp nhận bởi WTO.
Mặc dù nhóm nghiên cứu đánh đánh giá rất cao việc Chính phủ đã điều chỉnh phương thức tính thuế TTĐB tại Nghị định Chính phủ số 108/2015/ND-CP ngày 28/10/2015 và đề xuất sửa đổi các mức thuế suất TTĐB trong dự thảo luật sửa đổi một số điều của các luật về thuế. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam phát triển tới hết tiềm năng của mình, các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam đề xuất các phương án như: Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao trong giai đoạn “chuyển tiếp” khi thị trường ôtô của Việt Nam vẫn chưa đủ lớn. Theo đó, đề xuất mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của WTO, ví dụ mức ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế TTĐB cho 10 năm kể từ 2018.
Xóa bỏ thuế TTĐB cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế TTĐB hiện tại cho xe tải Pickup vì đây là những dòng xe thương mại, hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Việt Nam. Đặc biệt là những vùng ngoại ô và liên tỉnh, liên huyện.
Tiếp đó, có một định nghĩa rõ ràng và khả thi cho các dòng xe thân thiện với môi trường và có thêm những chính sách ưu đãi cho những loại xe đó. Loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được và tiếp tục rà soát những loại thuế nhập khẩu của tất cả các linh kiện và phụ tùng ô tô khác.
Và cuối cùng là rà soát những loại thuế khác và tất cả những lệ phí liên quan đến ô tô phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề thuế và phí, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, cũng cho biết, trở ngại về thuế là mối quan tâm của ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Bởi trong khi Bộ Công Thương đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ GTVT và Bộ Tài chính lại có những quan ngại về tình trạng tắc nghẽn giao thông nên đã áp dụng mức thuế và lệ phí cao đối với ô tô.
Đặc biệt, theo ông Tomaso Andreatta, mặc dù vẫn có dấu hiệu tăng trưởng với số lượng ô tô tăng nhưng thị trường ô tô lại giảm 50% do tác động của việc tăng thuế đăng kí trước bạ.
Lê Thúy