Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc đề xuất Chính phủ thay đổi thời gian phổ biến thông tin thống kê nhằm mục đích thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, số liệu thống kê phải thống nhất giữa các cơ quan, địa phương và phản ánh tình hình kinh tế-xã hội trọn tháng, quý, năm báo cáo.
Bên cạnh đó, việc thay đổi này xuất phát từ thực trạng công tác thống kê hiện nay, quy trình thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm để cơ quan thống kê có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Trung ương dẫn đến một số hạn chế, bất cập.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. |
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng dẫn ra một vài thí dụ các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có hệ thống thông tin thống kê hiện đại, có thời gian công bố thông tin thống kê trễ hơn Việt Nam. Có thể kể đến như lịch công bố chỉ tiêu GDP quý I/2023 của Canada, Pháp, Hàn Quốc sau 2 tháng; của Mỹ, Đức, Singapore sau hơn 1,5 tháng; của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sau 1,5 tháng...
Bà Dương Thị Kim Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết việc thay đổi thời gian công bố giúp số liệu sát với thực tế hơn. Ví dụ, thông tin số liệu điều tra khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể của các đơn vị điều tra thống kê phải thu thập từ rất sớm (thường từ ngày 1 đến 12 hàng tháng), do vậy, phải ước tính số liệu ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo. Số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả số dự án, vốn đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm, vốn thực hiện chỉ cập nhật được đến ngày 20 hàng tháng. Thông tin, số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hàng tháng phải ước sớm hơn so với kỳ sản xuất nửa tháng. Đối với báo cáo 6 tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước, nên rất khó chính xác.
Theo bà Nhung, đặc thù điều hành KT-XH của nước ta là vào tuần đầu tháng, đầu quý, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức họp để đánh giá tình hình thực hiện của tháng trước, quý trước, đặt ra nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác, nên ngoài các loại báo cáo của bộ, ngành mình, địa phương mình, còn phải có báo cáo tổng hợp về tình hình KT-XH trên bình diện cả nước với nhiều chỉ tiêu quan trọng. Vì thế, cần phải công bố sớm (vào ngày 29 hàng tháng và ngày cuối cùng của tháng 2 hàng năm) để Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương có bức tranh tổng thể để đưa ra nhận định, đánh giá, dự báo, lên chương trình, kế hoạch làm việc.
Sắp tới sẽ lùi ngày công bố số liệu, theo bà Nhung, công việc sẽ nhiều hơn vì phải cập nhật toàn bộ thời gian trong tháng, trong quý. Sau một vài tháng sẽ trở thành thói quen mới, nên không ảnh hưởng nhiều đến công tác điều hành. Lùi thời điểm công bố số liệu thì Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng phải lùi cuộc họp thường kỳ sau ngày 6 hàng tháng, khiến việc lập kế hoạch, nhiệm vụ buộc phải gối đầu sang tháng sau, quý sau.
Anh Đức