Trong nửa đầu năm 2015, nhiều vấn đề đối với hàng XK sang Saudi Arabia, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã được đặt ra. Từ tháng 1 đến nay, Hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm và thức ăn (RASSF) của EU đã từ chối 21 sản phẩm đến tại Việt Nam tại biên giới của một trong số các nước thành viên EU.
Khó truy xuất cơ sở nhỏ lẻ
17 sản phẩm khác đã bị ngăn chặn và cần phải cung cấp thêm thông tin trước khi có thể đưa ra quyết định. Năm 2014, 130 sản phẩm đã không được phép nhập khẩu trực tiếp vào EU. Khoảng 51 chuyến hàng chứa dư lượng hóa chất và kháng sinh quá cao, tăng 7 lần so với 2013. Vấn đề ATTP không chỉ gây bệnh cho người, mà còn hạn chế cơ hội XK của Việt Nam, và gây tổn hại đến uy tín của sản phẩm Việt Nam. Việc nông sản Việt Nam bị từ chối nhập khẩu gây tổn hại đến uy tín sản phẩm Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam XK 30,8 tỷ USD hàng nông sản và mục tiêu XK của năm 2015 là 32 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị này có thể cao hơn nếu vấn đề ATTP được giải quyết.
Theo ông Alexander, EU là một trong những thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam với 500 triệu người tiêu dùng có thu nhập và yêu cầu cao. Đây là thị trường có quyền lực, sức mua lớn nhất thế giới. FTA Việt Nam-EU rất quan tâm đến vấn đề ATTP mà đây lại là điểm yếu của Việt Nam. Nếu Việt Nam không có biện pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới sản phẩm sẽ rất khó tiếp cận thị trường khó tính này.
Truy xuất nguồn gốc là hệ thống theo dõi và truy xuất cho phép các công ty và các cơ quan có thẩm quyền biết được sản phẩm đã đi qua khâu nào trong chuỗi sản phẩm đó. Truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nâng cao ATTP, tránh hoặc giảm thiểu tác động đến sức khỏe và kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, ở Việt Nam đã có khung pháp lý bao gồm luật ATTP, các quy định hướng dẫn thi hànhcũng như các quy định về xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn.Thực tế cho thấy, việc truy xuất nguồn gốc DN lớn hầu như không gặp khó khăn vì các DN này thường có hệ thống quản lý và số sách ghi chép, lưu giữ nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm và quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông.
Đồng thời, DN đã được cơ quan chức năng kiểm tra quá trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và công bố sản phẩm. Với các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, truy xuất nguồn gốc rất khó vì rất nhiều mặt hàng, nhất là nông lâm thủy sản, được mua gom từ nhiều nguồn khác nhau. Các hộ gia đình tự sản xuất rồi bán lại, không có hệ thống quản lý sổ sách.
Nói về mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc gia cầm tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Võ Ngân Giang, cán bộ Chương trình Quốc gia về ATTP và chăn nuôi (FAO), cho biết 10 năm qua, Tp. HCM chuyển đổi thành công từ giết mổ nhỏ lẻ sang điểm giết mổ tập trung. Đây là thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc gia cầm quy mô lớn.
Theo bà Giang, Tp. HCM có cam kết rất cao từ các DN, siêu thị, cơ sở giết mổ. Sản phẩm sau khi giết mổ được đóng vào bao ni lông, công tác quản lý truy xuất được thực hiện tốt từ trang trại đến cơ sở giết mổ, sản xuất gia cầm thương phẩm ngày càng tăng. Nhìn chung khách hàng càng ngày càng quan tâm đến ATTP.
Theo nghiên cứu, người nội trợ sẵn sàng trả hơn 3.000- 4.000 đồng/kg thịt lợn để biết được sản phẩm đến từ đâu.Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, do quá nhiều đầu mối và thiếu sự liên hệ chặt chẽ giữa các đầu mối nên khó cho việc truy xuất. Cụ thể, các đơn vị quản lý sản phẩm theo hành chính, làm trên sổ sách trong khi sản phẩm đi theo chuỗi thị trường.
![]() |
Gom hộ nhỏ lẻ vào HTX
Theo một chuyên gia lĩnh vực về ATTP (Bộ Công Thương), đặc thù của Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ, khi có một sự cố về ATTP xảy ra, cơ quan quản lý tổ chức ngay việc truy xuất để tìm đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, có một khó khăn lớn là vì sản xuất nhỏ lẻ nên họ tự do thay đổi, nhiều sản phẩm vẫn còn lưu thông trên thị trường nhưng cơ sở sản xuất đã giải thể từ bao giờ. Chính vì vậy, rất khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở nhỏ lẻ. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng mấu chốt để truy xuất nguồn gốc hiệu quả vẫn là chính quyền cơ sở. Phải đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, chừng nào họ còn đứng ngoài cuộc thì rất khó.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc nông sản Việt Nam là cần thiết nhưng làm thế nào để chuyển thành hành động. Việc người tiêu dùng quan tâm đến ATTP, muốn biết rõ nguồn gốc sản phẩm là động lực nhưng chuyển biến từ động lực để các DN có ý thức hành động sản xuất sạch là rất khó, cần phải có áp lực tăng cường của cơ quan quản lý nhà nước buộc người sản xuất phải cam kết thực hiện nghiêm túc thì mới thành công.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, sản xuất nông sản nói chung, còn mang tính chất nhỏ lẻ. Trong hàng triệu hộ chăn nuôi không thể định danh đến từng hộ nhỏ. Dù quá trình phát triển, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ mất dần đi nhưng không phải một sớm một chiều. Ông Dương gợi ý, nên chă ng nên gom các hộ nhỏ lẻ vào HTX để cá c HTX tự quản lý. Cơ quan nhà nước chỉ quản lý mặt hàng đó với HTX thôi thì mới khả thi.
Thu Hường