Khi bình luận về vấn đề này, Ts. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học FPT, từng nêu quan điểm: “Chúng ta không nên ngăn cản học sinh du học nước ngoài nhưng phải tính đến việc thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học, đặc biệt là du học tự túc, tạo nên sự cân bằng”.
Để thu lợi tối đa, theo ông Minh, cần xây dựng những chương trình học để sinh viên Việt Nam không cần đi du học cũng có thể được học theo chuẩn mực quốc tế. Hơn thế nữa, chúng ta có thể kéo sinh viên nước ngoài sang Việt Nam du học, đặc biệt là du học tự túc – đó chính là “xuất khẩu giáo dục”.
Du học tăng theo tầng lớp trung lưu
Theo số liệu thống kê mới đây của bộ phận nghiên cứu ngân hàng HSBC, trong suốt thập kỷ qua, mỗi năm hơn 100.000 người Việt Nam chọn theo đuổi du học ở nước ngoài. Trước đó, theo tính toán của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), trung bình mỗi năm người Việt tiêu tốn khoảng gần 3 tỷ USD cho du học.
Nguyên nhân được HSBC cho rằng, chính yếu tố nhân khẩu học thuận lợi, tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sự gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu và có khả năng đầu tư vào giáo dục chất lượng cao cho con cái, là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của dịch vụ xuất khẩu giáo dục.
Trong đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có triển vọng tăng từ 12 triệu người vào năm 2012 lên 33 triệu người năm 2020.
Về vấn đề này, Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ từng dự báo, Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035.
Báo cáo đánh giá tầng lớp trung lưu nổi lên nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng Việt Nam mang lại thêm một cơ hội lớn. Việt Nam là quốc gia có hơn 90 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới về số dân. Nền kinh tế với quy mô 200 tỷ USD hiện nay sẽ đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm 2035.
Và trên nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc cao hơn (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011), so với con số dưới 10% như hiện nay.
![]() |
Chúng ta không nên ngăn cản học sinh du học nước ngoài nhưng phải tính đến việc thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học
Nghịch lý ở chỗ trong khi người Việt ngày càng muốn tiếp cận một mô hình giáo dục đào tạo chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, thì ngành giáo dục trong nước lại tỏ ra yếu kém, dù tốc độ thành lập các trường đại học không ngừng gia tăng. HSBC cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 8 trường đại học, 12 trường cao đẳng được mở trung bình hàng năm.
Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2013, số trường đại học, cao đẳng (công lập/ngoài công lập) tăng trưởng bình quân mỗi năm lên tới 6,5%, nhanh hơn tốc độ tăng sinh viên trong giai đoạn 2000 – 2013 (bình quân tăng 6,1%/năm).
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người chọn cách ra nước ngoài du học vì số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, bằng đại học đào tạo tại Việt Nam chưa được quốc tế chấp nhận.
Tìm cách thay đổi “cuộc chơi”
Điểm lại công bố quốc tế Việt Nam về giáo dục, nhiều chỉ số xếp hạng rất thấp. Cụ thể, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI thì Việt Nam không có cái nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam có 3 cái, nhưng không có cái nào của trường đại học cả mà toàn của các viện nghiên cứu.
Nhận thấy tiềm năng này, nhiều trường quốc tế đã ra đời tại Việt Nam, một số trường đại học đã mở rộng liên kết đào tạo, tuyển sinh sinh viên quốc tế như: Đại học QG Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học và công nghệ, Hutech,…
Hay Việt Nam đã liên kết với nước ngoài cho ra đời 4 trường ĐH quốc tế chất lượng cao gồm ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp, ĐH Việt Nhật, Học viện Việt Anh. Bên cạnh đó, còn có các trường ĐH có vốn 100% nước ngoài là RMIT (Australia), ĐH Anh, ĐH Y khoa Tokyo (dự án)…
Đặc biệt, mới đây, việc Tập đoàn Vingroup tuyên bố phi lợi nhuận hóa hệ thống Vinmec và Vinschool, cam kết dành 100% lợi nhuận cho xã hội. Theo tập đoàn này, trong tương lai, Vingroup sẽ dành 5.000 tỷ đồng xây dựng hai trường ĐH y khoa và ĐH quốc tế theo mô hình phi lợi nhuận.
Được biết, doanh thu từ mảng giáo dục của Tập đoàn Vingroup năm 2015 là 514 tỷ đồng – chiếm 1,5% doanh thu thuần của tập đoàn.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục tư nhân phi lợi nhuận tại Việt Nam còn phải kể tới các trường đại học như RMIT và Fulbright (Mỹ) đã có mặt tại Việt Nam.
Ngày 16/5/2016, trường Đại học Fulbright (FUV) Việt Nam đã chính thức nhận quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Kì vọng FUV có thể trở thành “người thay đổi cuộc chơi” trong giáo dục đại học Việt Nam, vốn đang bị phàn nàn về chất lượng đào tạo không theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh: “Sự xuất hiện của FUV sẽ đóng vai trò một nhân tố cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình trường đại học mới ở Việt Nam. Nhưng chỉ mới thôi chưa đủ, để xã hội chấp nhận chúng tôi phải làm tốt”.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của giáo dục Việt Nam để đầu tư giảng dạy theo chuẩn quốc tế, thu ngoại tệ từ sinh viên quốc tế, thu hút người Việt du học tại chỗ, thực hiện mục tiêu xuất khẩu giáo dục. Trong khi đó, thống giáo dục công lập hiện nay lại cho thấy trì trệ ở việc “tự chủ”, hay nói cách khác, hệ thống trường đại học, cao đẳng công lập vẫn chưa muốn cai “bầu sữa” từ ngân sách nhà nước.
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Rõ ràng, nếu muốn chất lượng đầu ra ổn định, ta không thể duy trì mức học phí thấp trong khi Nhà nước không thể đầu tư như các nước phát triển. Trong khi đó, vẫn tồn tại thực tế nhiều học sinh du học tại chỗ tại những trường được nước ngoài đầu tư, học phí còn cao gấp trăm lần mức học phí các trường trong nước. Điều đó cho thấy, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là rất cần thiết. Ts. Nguyễn Đức Thái, (Việt kiều Mỹ) Chuyên gia sinh học cố vấn Đại học Y Dược Tp.HCM Các trường hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, nhưng họ có những khoản đầu tư thông minh, đầu tư cực tốt cho các lợi ích công cộng và nghiên cứu phát triển (R&D), có nhiều nhà hảo tâm, lại được ưu đãi nhiều về thuế nên hoạt động của họ rất tốt. Bằng chứng là rất nhiều sáng kiến khoa học, giảng viên uy tín, nhiều học bổng lớn trao cho sinh viên thế giới từ các trường danh giá này. Ts. KH Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học Việt Nam Việt Nam sẽ trở thành nguồn cung cấp sinh viên du học hay thu hút sinh viên tới du học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách mở cửa của các trường ĐH trong nước, phụ thuộc vào trình độ sử dụng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác trong khu vực ở mức độ nào và các chương trình, bằng cấp được liên thông, công nhận giữa các trường trong khu vực và thế giới. |
Lê Thúy