Tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/6, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó nhập khẩu cả nước ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm năm 2015.
![]() |
Dự báo trong năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng sẽ nằm trong kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch
xuất khẩu
Xuất khẩu tăng nhẹ trong khi nhập khẩu giảm đã giúp cho cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 1,36 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2015.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng với kim ngạch đạt 19,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,2%; Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 6,4%; EU đạt 3,8 tỷ USD, giảm 3,7%; Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,4%; Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 6,4%.
Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, đã xuất hiện tình trạng nhập siêu khi trong tháng 5 cả nước nhập siêu khoảng 400 triệu USD.
Theo ông Phú, cán cân thương mại hiện đang thặng dư khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng và phát triển còn cao.
Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để mở mang sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các Hiệp định.
Do đó, dự báo trong năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng sẽ nằm trong kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lê Thúy